Muốn cân bằng giới tính cần xóa tư tưởng sính con trai

05/10/2014 10:25 GMT+7

Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối quan ngại ngày càng tăng ở một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là việc lựa chọn giới tính trước khi sinh, xuất phát từ định kiến giới, tâm lý sính con trai và xem thường giá trị của bé gái.

Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối quan ngại ngày càng tăng ở một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là việc lựa chọn giới tính trước khi sinh, xuất phát từ định kiến giới, tâm lý sính con trai và xem thường giá trị của bé gái.


Áp lực phải sinh con trai vẫn đè nặng lên người phụ nữ thời hiện đại - Minh họa: Dad

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta tuy diễn ra muộn hơn các nước châu Á nhưng tốc độ gia tăng rất nhanh. Năm 2000, tỉ lệ này chỉ là 106,2 bé trai trên 100 bé gái, giờ đã thành lên 113,8 bé trai trên 100 bé gái vào năm 2013.

Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh có từ 2,3-4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn, và sẽ phải… nhập khẩu cô dâu.

Không chỉ về mặt hôn nhân gia đình, việc thiếu hụt nữ giới cũng khiến xã hội đối mặt với nhiều vấn đề. Như lời Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: “Mất cân bằng giới tính khi sinh như một cái vòng luẩn quẩn. Thanh niên không lấy được vợ. Các hậu quả về lâu dài rất nghiêm trọng: việc thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình. Mất cân bằng giới tính sẽ gia tăng về nhu cầu mại dâm, buôn bán phụ nữ”.

Ngoài ra, nhiều ngành nghề đặc thù phù hợp với nữ sẽ phải thay thế bằng nam giới. Một môi trường ổn định là một môi trường cân bằng. Việc cán cân tự nhiên bị nghiêng trong xã hội nào thì chính xã hội đó sẽ phải chịu hậu quả rất lớn.

Trước những thực trạng trên, vấn đề đặt ra là tăng tỉ lệ sinh bé gái. Điều này tưởng dễ mà lại khó, bởi nó dính cái gốc sâu xa phải thay đổi quan điểm về việc sinh bé gái. Từng đưa vợ đi khám thai tại một bệnh viện quốc tế ở TP.HCM, tôi được nghe biết bao nhiêu bà mẹ chia sẻ tâm trạng vui mừng, hoặc buồn bã vì kết quả siêu âm là “giống ba” hay “giống mẹ” (từ lóng mà các bác sĩ thường dùng khi siêu âm để lách luật cấm thông báo giới tính).

Với các phụ huynh, việc đã có con trai mà lỡ có thêm thằng cu nữa thường cũng chẳng sao, còn nặng nề hơn cả là đã có một 'công chúa' nhưng tiếp tục 'dính' thêm bé gái. Nghe nhiều đến mức vợ tôi dù biết tôi thích con gái nhưng cũng có lần phải chột dạ hỏi lại: “Em sinh con gái nữa ba nó còn thương em không?”. Đó là ở thành phố hiện đại và phát triển như TP.HCM, thử hỏi ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, áp lực này sẽ còn như thế nào?

Theo tôi, thực trạng này bắt nguồn từ quan niệm và cách thức tổ chức gia đình Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi Nho giáo bao thế hệ. Bên cạnh những nét đẹp tư tưởng không thể phủ nhận, nhiều hậu quả mà cho đến nay chưa dễ gì xóa bỏ được, đó là tư tưởng trọng nam khinh nữ ngay trong phạm vi gia đình, mà cụ thể là những biểu hiện như sinh con trai, con gái; phân chia tài sản cho các con; coi thường phụ nữ, chưa chú trọng đúng mức tới việc phát huy vai trò của nữ giới...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Để hỗ trợ cho việc thay đổi tư tưởng, tôi nghĩ chúng ta phải làm nhiều hơn bằng thực tiễn, trước mắt là chính sách hỗ trợ cho người sinh con gái và nâng cao vai trò của phụ nữ trong mọi sinh hoạt cộng đồng.

Trước mắt, cần phải thực hiện ngay chính sách hỗ trợ viện phí cho các thai phụ mang thai tiếp tục là con gái để tránh tỷ lệ phá thai, cũng như hỗ trợ dinh dưỡng cho bé gái trong năm đầu tiên, hỗ trợ học phí bậc tiểu học, ưu tiên trong việc khám chữa bệnh…

Các chính sách này sẽ tháo gỡ được phần nào tâm lý tự ti của những gia đình sinh con một bề là gái. Ngoài ra, trong đời sống hằng ngày cần nâng cao vai trò của người phụ nữ, làm mạnh các ngày tôn vinh một nửa thế giới, tạo cơ hội việc làm một cách bình đẳng như nam giới, xử nặng các hành vi xâm phạm quyền lợi và sức khỏe của phụ nữ hơn nữa.

Tư tưởng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, người không có con trai đi ăn cỗ phải ngồi chiếu dưới, bị chế giễu trong các chầu nhậu… không dễ xóa bỏ trong một sớm một chiều, nhưng nếu quyết liệt các chính sách nêu trên cùng việc tuyên truyền các tác hại của việc mất cân bằng giới, tôi tin đến một ngày những gia đình đang tự hào có nhiều con trai hoặc sính bé trai sẽ phải suy nghĩ lại.

Tidoo Nguyễn (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một kỹ sư đang sống và làm việc tại TP.HCM

>> Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh
>> Báo động mất cân bằng giới tính
>> Trọng nam khinh nữ
>> Áp lực sinh con trai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.