Muốn chấm dứt bạo hành phải bắt đầu từ suy nghĩ của đàn ông

03/11/2019 21:06 GMT+7

'Bạo hành gia đình xuất phát từ người đàn ông, truyền thống và ngay cả hệ thống luật pháp . Muốn thay đổi, chúng ta phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, đó chính là suy nghĩ của mỗi người đàn ông'.

Đạo diễn Lê Hoàng đã nhận định như vậy tại  lễ khởi động Ngày Văn hóa hòa Bình TP.HCM do Quỹ Hòa bình & Phát triển TP.HCM tổ chức ngày 3.11 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình. Chương trình có sự tham dự của bà Tôn Nữ Thị Ninh ( Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP. HCM) cùng các khách mời là các luật sư, chuyên gia tâm lý . Xuyên suốt chương trình là những đối thoại của khách mời về các vấn nhức nhối hiện nay như bạo hành và xâm hại trẻ em , bạo hành phụ nữ, , bạo lực học đường… 

Bạo hành phụ nữ đến cả từ những gia đình tri thức

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ ( Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cho biết : “Bạo hành phụ nữ chiếm 95% trong các gia đình. Chúng ta đã có luật Hôn nhân gia đình nhưng người phụ nữ vẫn bị bạo hành. "Khi chúng tôi hỏi người vợ bị bạo hành, câu trả lời chung nhận được đều là họ đành chịu đựng những trận đòn để cho con cái có một mái ấm đủ cha và mẹ để phát triển. Nhưng tôi cũng đặt câu hỏi lại rằng nếu một người cha như vậy có đủ sức để giáo dục đứa trẻ không ? Chị em phải mạnh dạn tố cáo các cơ quan chức năng để bảo vệ tương lai con em chúng ta”, luật sư Nữ cho biết
Chị Nguyễn Thị Ngọc (thạc sĩ tâm lý lâm sàng) chia sẻ : “Chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của người phụ nữ khi bị bạo hành bởi người chồng để hiểu những gì đang xảy ra. Tôi đã gặp các trường hợp chị em miêu tả cảm giác bạo hành như bị cứa vào trái tim của mình, các chị không thể khóc thành tiếng và có những sang chấn tâm lý, lâu dần có thể dẫn đến trầm cảm".
Đạo diễn Lê Hoàng chia sẻ: “Chúng ta nói rất nhiều về bạo hành gia đình nhưng tôi muốn làm rõ rằng bạo hành về mặt tâm lý là nặng nề hơn rất nhiều so với bạo hành bằng hành động. Bạo hành có thể xảy ra ngay trong gia đình tri thức, với những áp đặt và bạo hành ngôn từ vô cùng khủng khiếp. Bạo hành gia đình xuất phát từ người đàn ông, truyền thống và ngay cả hệ thống luật pháp. Muốn thay đổi, chúng ta phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, đó chính là suy nghĩ của mỗi người đàn ông.” 

Vết thương về tâm lý mãi mãi không phai

Trước vấn đề xâm hại trẻ em đang ở tình trạng “đáng báo động” cũng như cách để trẻ phát triển một cách hoàn thiện, tự tin, những khách mời đã có những chia sẻ rất thẳng thắn.

Trẻ em cũng là đối tượng được quan tâm trong buổi lễ khởi động

Khánh Nguyễn

Chị Như Mỹ, hiện là phụ huynh của 2 con, chia sẻ : “Vấn đề mình quan tâm hơn cả là bạo lực và vấn đề xâm hại. Bạo lực không chỉ ở việc đánh đập mà nó còn thể hiện qua giao tiếp thường ngày xảy ra trong mỗi gia đình. Sống ở gia đình nhiều thế hệ thì ông bà thường sẽ chê các bé trước chứ không bao giờ khen. Đối với mình, một phần nào đó có yếu tố bạo lực tâm lý bởi đứa trẻ sẽ nghĩ mình là một đứa trẻ tệ và hậu đậu. Mỗi đứa trẻ sẽ có những khả năng khác nhau nên phụ huynh hay gia đình phải tự tiết chế để con mình có thể tự tin, không nên kết luận con là người thế này thế kia hay áp đặt bất cứ điều gì. Chúng ta phải rèn luyện cho bé làm một người có tiếng nói, biết cách phản biện, từ đó con sẽ biết tự vệ trong mọi tình huống ”
Nói về vấn đề di chứng sau những ký ức bạo lực gia đình và xâm hại, chị Nguyễn Thị Ngọc đã chia sẻ những câu chuyện rất chân thật. Đó là một gia đình với người cha rất giỏi, mẹ phụ giúp việc nội trợ gia đình nhưng cha thường xuyên chỉ trích, bạo hành. Khi đứa trẻ lớn lên, cô gái về giới thiệu cho cậu bạn trai mà theo cô không cần phải giỏi nhưng không có những cử chỉ bạo hành như bố đối với mẹ mình. Một bé gái bị xâm hại, sau nhiều năm chữa trị tâm lý đã khỏi hẳn. Nhưng đến một ngày khi bắt đầu có những mối quan hệ tình cảm khác, những ký ức xưa lại về và ám ảnh. Có thể thấy, di chứng về mặt thể chất, tâm lý là vô cùng lớn, ảnh hưởng đến tương lai của mỗi người. “Vết thương về thể chất thì chỉ có thể để lại vài vết sẹo, nhưng vết thương về tâm lý thì mãi mãi không phai” chị Ngọc kết luận.
Tại chương trình còn có buổi đối thoại về bạo lực học đường, bổ sung những kỹ năng sống cần thiết để tránh trở thành nạn nhân bị bắt nạt trong trường học được chia sẻ từ chính những người trong cuộc.
Chương trình là tiền đề cho sự kiện "Ngày Văn hoá Hoà bình 2019" sẽ diễn ra chính thức vào ngày 8.12 tại sân vận động Quân khu 7 với thông điệp "Vì một xã hội nhân văn và bình an: Hãy cùng nhau chống bạo lực và xâm hại".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.