Muôn chuyện ‘khóc cười’ thực tập sư phạm thời Covid-19

20/03/2022 14:32 GMT+7

Giáo sinh là F0, học sinh nhiễm Covid-19 , cả kỳ thực tập học trò không thấy rõ mặt giáo sinh vì đeo khẩu trang… Đó là những gì đang diễn ra trong một kỳ thực tập sư phạm đặc biệt thời Covid-19.

Kỳ thực tập... dang dở do mất giọng vì nhiễm Covid-19

Tưởng chừng như sẽ có kỳ thực tập suôn sẻ tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM) từ ngày 14.2 đến 24.4, Tuy nhiên, việc nhiễm Covid-19 trong lúc đang thực tập sư phạm khiến Lê Nguyễn Tiến Nghĩa, sinh viên năm 4 ngành Sư phạm sinh học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phải tạm dừng kỳ thực tập từ ngày 9.3. Triệu chứng của Covid-19 khiến Nghĩa bị mất giọng nên cũng không thể thực tập trực tuyến, điều này đồng nghĩa kỳ thực tập của giáo sinh này sẽ mất đi hơn 10 ngày vì đến thời điểm hiện tại Nghĩa vẫn chưa âm tính trở lại.

Lê Nguyễn Tiến Nghĩa bên học sinh trong kỳ thực tập sư phạm đặc biệt

nvcc

Hiện tại, Nghĩa đang được cách ly và điều trị tại ký túc xá (KTX) Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. “KTX đã dành lầu 4 để những sinh viên nhiễm Covid-19 cách ly và điều trị. Về phần ăn uống đã được căn tin KTX cung cấp, thuốc thì bên phường có hỗ trợ. Điều tôi cảm thấy tiếc nuối ở hiện tại là thời gian của kỳ thực tập sẽ bị rút ngắn hơn so với dự tính ban đầu khiến cho mọi kế hoạch và việc soạn giáo án phải linh hoạt và điều chỉnh”, Nghĩa chia sẻ.

Tuy kỳ thực tập diễn ra chưa đầy một tháng nhưng Nghĩa và những học sinh của mình đã có những kỷ niệm đáng nhớ bên nhau. Chia sẻ về cảm xúc hiện tại, Nghĩa chia sẻ rất nhớ học trò của mình và mong muốn sớm có kết quả âm tính để hoàn thành kỳ thực tập.

Nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong kỳ thực tập đặc biệt

Cùng tâm trạng với Tiến Nghĩa, cô giáo tương lai Phạm Thị Hương Quỳnh, sinh viên năm cuối ngành sư phạm tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng phải mất 5 ngày trong kỳ thực tập vì trở thành F1. Theo quy định của Trường tiểu học Đặng Trần Côn, Q. 4, TP.HCM, giáo viên, học sinh thuộc diện F1 sẽ được trở lại trường nếu có kết quả âm tính sau 5 ngày cách ly tại nhà. Trở lại trường vào ngày 19.3, giáo sinh này cho biết cảm thấy trân trọng những giây phút được đứng trên bục giảng hơn bao giờ hết. Vì thời gian bên cô giáo cũng ít đi nên học sinh cũng ngoan và nghe lời hơn, theo Hương Quỳnh.

“Chắc chắn đây là một kỳ thực tập đáng nhớ, vì cả giáo sinh và học sinh đều chuẩn bị tinh thần sẽ học trực tuyến bất kỳ lúc nào nếu như lớp học đó có số F0 vượt quá quy định. Có những hôm lên lớp, nhìn thấy một chiếc ghế trống là y như rằng vài phút sau sẽ có thông báo đã có học sinh thuộc diện F0 và một số F1 phải nghỉ học ở nhà. Có buổi cả lớp phải ra hành lang ngồi để đợi khử trùng phòng học, đây là một kỷ niệm khó quên trong kỳ thực tập này”, Quỳnh chia sẻ.

Tuy đã chuẩn bị tinh thần sẽ thực tập trực tuyến bất kỳ lúc nào, tuy nhiên cô giáo tương lai Hương Quỳnh vẫn mong được trực tiếp giảng dạy các học sinh của mình. Đây là khoảng thời gian khó khăn, nhưng theo Quỳnh cô sẽ vượt qua và xem đây như kỷ niệm đặc biệt khởi đầu của sự nghiệp “trồng người”.

Giáo sinh Phạm Thị Hương Quỳnh (áo dài trắng) được học trò chào đón sau thời gian cách ly theo diện F1

nvcc

Nỗi lo mang tên "thực tập trực tuyến"

Sau hơn 10 tháng học trực tuyến vì dịch covid-19, Nguyễn Thị Kim Ngân, sinh viên năm cuối ngành Sư phạm ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, mới được rời quê ở Phú Yên để tham gia thực tập ngày 14.2. Phải trả tiền trọ cùng nhiều chi phí khác để ở lại TP.HCM thực tập nên Ngân luôn lo sợ bản thân bị nhiễm Covid-19 hay lớp học chuyển sang trực tuyến khiến kỳ thực tập gián đoạn.

“Mỗi ngày đến trường ngoài chuẩn bị bài giảng ra thì tôi luôn có một nỗi lo khác mang tên thực tập trực tuyến. Đây là thời gian quan trọng để tôi có thể tiếp thu được những kinh nghiệm thực tế để làm hành trang cho quá trình đi dạy sau này nên tôi mong muốn nó thật trọn vẹn. Tuy thực tập đã hơn một tháng nhưng tôi vẫn chưa nhớ hết mặt học sinh chỉ vì lớp khẩu trang. Những tấm hình lưu niệm của cô trò cũng chỉ biểu hiện cảm xúc qua đôi mắt”, Ngân tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.