Không chịu ăn rau
Cách đây ít ngày, trước khi U.22 Việt Nam chuẩn bị ăn trưa, HLV Park Hang-seo đảo một vòng quanh các bàn ăn rồi hỏi học trò về bữa ăn của họ tại CLB. Ông khẽ nhíu mày rồi bảo các bác sĩ bổ sung ngay vitamin cho cầu thủ. Ông còn đốc thúc cầu thủ, ngoài các món chính, phải tích cực ăn rau củ quả vì ông thấy nhiều anh chàng chỉ thích ăn các món giàu đạm chứ không chịu... ăn rau.
Từng là thành viên đội tuyển Việt Nam thời kỳ đội giành chức vô địch AFF Cup 2008, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Y học Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, một lần nữa giải thích về lý do rất nhiều cầu thủ Việt Nam thiếu kiến thức cơ bản về dinh dưỡng.
Bác sĩ Hiền cho hay: “Khi cầu thủ lên tuyển, tôi để ý số nhiều cầu thủ không ăn rau. Cái này thành thói quen bởi ở nhà hay ở CLB, họ không được HLV bắt phải ăn rau. Đó là ví dụ cụ thể nhất về sự thiên lệch các nhóm chất trong bữa cơm của cầu thủ. Khi còn là lứa trẻ, họ đã phải được dạy dỗ kỹ về chế độ dinh dưỡng đối với một vận động viên bóng đá, nhưng có lẽ ít đội bóng thực hiện được việc tưởng như nhỏ nhưng lại rất quan trọng này”.
Theo bác sĩ Hiền, các cầu thủ trẻ phải được thấm nhuần tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng hợp lý, bởi nó sẽ giúp họ có nền tảng thể lực tốt và có khả năng tiếp cận những thành tích cao. Một cầu thủ trẻ cần phải nắm vững một số yêu cầu chính của chế độ ăn đúng cách: No bụng nhưng phải đầy đủ các nhóm chất như carbonhydrate (nhóm bột đường có trong cơm, bánh mì, mì, ngũ cốc...), nhóm chất đạm (có trong thịt cá, trứng, hải sản, đậu đỗ) và nhóm chất béo. Ngoài ra không thể thiếu rau, củ quả, trái cây. Bổ sung thêm sữa, sữa chua, phô mai.
Bác sĩ Hiền nói thêm: “Ông Park yêu cầu cầu thủ U.22 bổ sung vitamin là chuẩn xác vì có thể họ bị thiếu chất. Và bây giờ nếu làm phiếu khảo sát toàn diện thì các CLB ở Việt Nam hầu như không bổ sung vi chất cho cầu thủ”.
Nếu quang hải được ăn uống tốt từ năm trước 14 tuổi...
HLV Phạm Minh Đức, một trong những HLV từng kinh qua nhiều đội trẻ cấp độ CLB và quốc gia, chia sẻ: “Hiện có 3 nơi chăm sóc dinh dưỡng cho cầu thủ từ tốt đến cực tốt là Trung tâm huấn luyện Viettel, Trung tâm PVF và Học viện HAGL. Những lò đào tạo này có chuyên gia dinh dưỡng và thực đơn được xây dựng theo đúng quy chuẩn, phù hợp với từng thời kỳ tập luyện, thi đấu. CLB Hà Nội chi tiêu dè sẻn hơn một chút nên bữa ăn ở mức khá, nhưng cũng có thể được coi là một trong những đội bóng tiến đến chuyên nghiệp từ khẩu phần ăn cho cầu thủ”.
HLV Phạm Minh Đức đề cập đến những ví dụ cụ thể: “Không chỉ riêng tôi mà bất kỳ HLV nào cũng rất mong muốn học trò của mình có được thể trạng khỏe mạnh và được ăn ngon, ăn đúng cách. Lứa cầu thủ của Hà Nội hiện nay như Duy Mạnh, Quang Hải nếu được chăm sóc tốt từ năm mới dậy thì, thì có lẽ thể lực còn tốt hơn nữa. Trước đây các em do Trung tâm đào tạo Hà Nội thuộc Sở VH-TT Hà Nội nuôi nên không được ăn tốt như mong muốn. Khi đội Hà Nội lấy về, Hải đã 16 tuổi. Theo tôi, lứa tuổi có thể hấp thụ tốt dinh dưỡng là từ 14 - 15. Còn ở lứa 11, 12 tuổi dù có chế biến nhiều món, các em cũng không thể ăn hết vì khi đó năng lượng chưa bị tiêu hao nhiều. Nhưng khi bước sang tuổi trưởng thành, dậy thì, lượng vận động cao hơn, việc chăm sóc đúng cách mới thực sự được phát huy. Tôi muốn nói thêm về trường hợp của Văn Hậu. Trước đây khi còn ở Thái Bình, Hậu cao nhưng rất gầy. Khi ra Hà Nội, bắt đầu bước sang tuổi lớn, Hậu có sự cải thiện về thể trạng do được ăn uống tốt hơn. Thời gian Hậu sang Hà Lan, chế độ dinh dưỡng chuẩn không cần chỉnh của đội Heerenveen càng làm cho Hậu thực sự trở thành một cầu thủ đặc biệt của bóng đá Việt Nam”.
Bóng đá Việt Nam cần chuyên gia dinh dưỡngKhông phải tình cờ mà trong một cuộc trò chuyện rất thẳng thắn với giới truyền thông, HLV Park Hang-seo đã nói về vấn đề dinh dưỡng. Ông phát biểu: “Để đào tạo cầu thủ thì rất tốn thời gian và công sức. Chúng ta cần nhiều chuyên gia hỗ trợ. Cầu thủ như một gói sản phẩm cần nhiều khâu để hoàn thiện. Họ cần sự chung tay của các chuyên gia. Thứ nhất là chuyên gia về kỹ thuật. Thứ hai là chuyên gia về dinh dưỡng. Thứ ba là chuyên gia thể lực. Thứ tư là chuyên gia phân tích. Thứ năm là chuyên gia tâm lý. Việt Nam hiện tại chưa có đầy đủ các chuyên gia như vậy. Trong tương lai, chúng ta phải xây dựng một đội ngũ các chuyên gia thì mới hy vọng thi đấu ở Olympic hay World Cup”.
Ông Park nói sâu hơn: “Bóng đá Việt Nam nên đầu tư sâu cho lứa đội U.10 hay U.15 bởi chính họ sẽ là tương lai quyết định xem Việt Nam có thể tham dự được World Cup hay không. Tôi đã đi đến nhiều địa phương và thực sự thấy rằng bóng đá ở nhiều nơi phát triển trong điều kiện thiếu thốn, nhất là những miền xa xôi. Có những thành phần dinh dưỡng chỉ phục vụ cầu thủ ở lứa U.10. Cũng có những thành phần dinh dưỡng chỉ hỗ trợ tốt khi cầu thủ ở tuổi 20. Có những món ăn bắt buộc phải sử dụng hay không được phép ở trước hoặc sau trận đấu. Chúng ta cần chuyên gia dinh dưỡng. Hiện tại ở nhiều đội bóng, các bác sĩ và HLV thể lực đang phải kiêm nhiệm nhiệm vụ này”.
|
Bình luận (0)