Như Thanh Niên thông tin, tại Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu 5 thành phố trực thuộc T.Ư nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.
Cụ thể, theo nghị quyết, UBND các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: rà soát, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu cho HĐND ban hành các nghị quyết về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30 - 35%; áp dụng công nghệ giao thông thông minh trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông đô thị; tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn; nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030...
Xe máy được cho là “tác nhân” lớn nhất gây kẹt xe và ô nhiễm môi trường |
Cao An Biên |
Nên tính giải pháp hạn chế xe cá nhân
Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ đồng tình ủng hộ việc hạn chế xe máy, tuy nhiên phải nghiên cứu thật kỹ vì việc này ảnh hưởng đến hàng chục triệu dân. “Cá nhân tôi ủng hộ việc nghiên cứu hạn chế xe máy, nhưng phía cơ quan chức năng cần phải xem xét kỹ lưỡng. Hiện nay, người dân di chuyển bằng phương tiện này chiếm đa số và đề xuất này chỉ có hiệu quả nếu như hệ thống giao thông công cộng đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhiều người”, BĐ Vũ Tâm ý kiến.
Tương tự, BĐ Thiện Nhân viết: “Tôi nghĩ đây là vấn đề đáng quan tâm và cần nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, tránh trường hợp quyết định được ban hành rồi lại phải thay đổi, sửa chữa khiến người dân rối thêm. Chuyện hạn chế di chuyển bằng xe máy ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đi lại của người dân nên phải tính toán kỹ, không được vội vàng”.
Hạn chế được xe máy hay không phụ thuộc nhiều vào vấn đề nhu cầu người dân di chuyển bằng các phương tiện công cộng có được đảm bảo hay không. Thực tế, việc hạn chế xe máy sẽ giúp giảm ùn tắc và bảo vệ môi trường, nhưng nếu các phương tiện công cộng không đáp ứng đủ thì cũng khó hiệu quả.
Quốc Khánh
Để thay đổi thói quen của người dân thì tốt nhất là nên cho họ thấy được những lợi ích từ việc di chuyển bằng phương tiện công cộng. Chứ nhà nước không thể cấm hay bắt họ ít di chuyển bằng phương tiện cá nhân, nhưng phương tiện công cộng lại chưa thể đảm bảo.
BĐ Khánh Lê
Đáng lưu ý, BĐ P.P cảnh báo: “Nếu cấm xe máy thì dân có thể dồn qua mua và đi ô tô nhiều hơn. Lúc đó kẹt xe sẽ còn tồi tệ hơn. Nên tính đến giải pháp hạn chế xe cá nhân trong nội đô, trong đó có cả ô tô, xe máy chứ không phải hạn chế, cấm xe máy”. Còn BĐ Nhật Khánh nêu ý kiến: “Cá nhân tôi thấy việc cấm hay hạn chế không phải là cách thiết thực, tốt nhất là xuất phát từ ý thức tự nguyện của người dân. Tôi đề xuất nghiên cứu thu phí phát triển giao thông đô thị, tùy từng loại xe mà có mức thu hợp lý. Đây cũng là nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc phát triển hạ tầng giao thông công cộng. Nếu chi phí sử dụng xe cá nhân hằng tháng ngang bằng hoặc cao hơn với việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng thì chắc chắn người dân sẽ dần thay đổi thói quen này. Tất nhiên, khi đó phương tiện giao thông công cộng cũng phải có độ bao phủ rộng, hiện đại, giá cả hợp lý...”.
Khẩn trương hoàn thiện giao thông công cộng
Nhiều ý kiến cho rằng muốn hạn chế xe máy hay phương tiện cá nhân đạt hiệu quả thì giao thông công cộng phải đồng bộ và hoàn chỉnh, hè thông phố thoáng để người dân di chuyển. “Tôi ủng hộ nghiên cứu này nhưng trước hết cần phải hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng và phải xác định bù lỗ để người dân sử dụng. Vì thực tế hiện nay di chuyển bằng xe buýt cũng gặp nhiều bất tiện, còn tàu điện ở TP.HCM dù được nhiều kỳ vọng vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Đó là chưa kể đến việc cấm hay hạn chế xe máy cũng làm cho một số đối tượng rơi vào cảnh mất việc, cần có chính sách hỗ trợ họ”, BĐ Mai Anh ý kiến.
Cùng quan điểm, BĐ Vũ Hạnh cho rằng: “Một vấn đề cơ quan chức năng cần nhìn nhận là việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng đang còn khá chậm chạp và chưa đủ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Như vậy thì khó có thể cấm hoặc hạn chế xe máy, vì ảnh hưởng rất nhiều đến lợi ích của họ. Lời nói phải đi đôi với việc làm. Muốn nghiên cứu này trở thành hiện thực thì việc hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng là thách thức hàng đầu chứ chưa nói đến chuyện phải thuyết phục, thay đổi thói quen của người dân”.
“Thực tế hiện nay phương tiện công cộng ở VN nói chung và các thành phố lớn nói riêng vẫn chưa đủ để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Đó cũng là lý do mà đa phần mọi người phải chọn xe máy để phục vụ việc di chuyển, thay vì phương tiện công cộng. Cơ quan chức năng muốn hạn chế xe máy thì trước hết, nguồn lực về phương tiện công cộng phải được đảm bảo”, BĐ Huỳnh Đức ý kiến.
Bình luận (0)