Theo tìm hiểu, hiện nay golf đã được đưa vào giảng dạy như là một ngành đào tạo tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) và Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh (Bắc Ninh).
100% sinh viên ra trường có việc làm
Trường đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đào tạo sinh viên chuyên ngành golf. Chia sẻ với Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hường, Phó Trưởng bộ môn golf của trường, cho biết golf trở thành ngành đào tạo tại trường từ năm 2016. Mỗi năm tuyển được khoảng hơn 20 sinh viên. "Với đặc thù là trường về thể thao, nên cơ sở vật chất đáp ứng được việc giảng dạy golf. Thậm chí còn có thể đáp ứng với số lượng sinh viên nhiều hơn", ông Hường nói.
Sinh viên Trường đại học Thủy lợi được học golf như một môn thể thao tự chọn |
ĐHTL |
Ông Hường cho biết thêm, Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh cũng ký thoả thuận hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp về việc hỗ trợ đào tạo và giải quyết đầu ra cho các sinh viên học golf đang theo học tại nhà trường. Từ đó, tất cả sinh viên tốt nghiệp ngành golf đều có việc làm ngay, với mức thu nhập cao tùy năng lực. Trung bình ở khoảng hơn 10 triệu đồng.
Thạc sĩ Phạm Thanh Anh Khoa, Phụ trách Khoa Khoa học thể thao, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết ngành golf được đào tạo tại Khoa Khoa học thể thao. Sinh viên học ngành này được đào tạo 4 năm theo trình độ đại học. Ngành golf được đưa vào giảng dạy năm 2019, tới nay đã tuyển sinh được 3 khoá. Mỗi năm tuyển được 15 - 20 sinh viên. Cơ sở vật chất phục vụ ngành golf tại trường gồm có: hệ thống sân, bãi tập ngoài trời quy mô lớn, hệ thống phòng tập thể lực, nhà thi đấu thể thao, sân vận động, cùng phòng mô phỏng - phân tích kỹ thuật 3D hiện đại. Thời gian tới dự kiến xây dựng Trung tâm nghiên cứu thực hành thể thao bao gồm khu vực đánh golf...
Theo ông Khoa, chương trình đào tạo được nhập khẩu từ Trường ĐH Chungang (nơi đào tạo golf nổi tiếng tại Hàn Quốc, xếp hạng 397 QS World University Ranking và 69 Asian University Rankings). Hơn 50% môn học chuyên ngành gắn liền thực hành.
Được biết, học phí ngành golf của Trường ĐH Tôn Đức Thắng ở mức từ 40 - 50 triệu/năm học. Học phí đã bao gồm chi phí đưa sinh viên đi tập ở các sân golf như sân tập Trần Thái, sân tập Nam Sài Gòn, sân tập Rạch Chiếc… và sân golf 18 hố như Hồ Tràm, Đại Phước, Tân Sơn Nhất… Trung bình mỗi học kỳ, sinh viên sẽ được đi thực tế ở các sân golf hơn 10 lần. Nhà trường trang bị đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị tập luyện (gậy golf, máy tập...).
Cũng theo người phụ trách Khoa Khoa học thể thao, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, sinh viên sẽ trải qua 4 kỳ thực tập ở các doanh nghiệp golf có hợp tác với trường.
"Tốt nghiệp ngành golf, sinh viên đạt được các kiến thức và kỹ năng như: được trang bị kiến thức về quản lý kinh doanh trong lĩnh vực golf, quản lý sân tập kết hợp với du lịch, tổ chức các hoạt động tập luyện, huấn luyện tại các sân tập, tổ chức sự kiện - giải đấu; đào tạo, giảng dạy và huấn luyện đánh golf hoặc trở thành những vận động viên chuyên nghiệp... Qua đó, sinh viên sẽ có cái nhìn sâu sắc về tầm quan trọng của ngành công nghiệp golf trong nền kinh tế nói chung. Ngoài ra, trong quá trình học tập, sinh viên được trang bị các kỹ năng tổ chức và điều hành hoạt động kinh doanh, quản trị cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các sân tập golf; kỹ năng tổ chức và vận hành cơ bản các giải đấu golf...", ông Khoa nói.
Khi Thanh Niên hỏi về triển vọng nghề nghiệp của ngành golf, ông Khoa cho biết Khoa Khoa học thể thao sẽ đảm bảo tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp là 100%.
Golf là môn tự chọn
Môn golf cũng được giảng dạy tại Trường đại học Thủy lợi. Theo đó, từ năm 2021, golf chính thức trở thành môn giáo dục thể chất tự chọn và tạo sự hào hứng cho sinh viên.
Sinh viên khá hào hứng khi được tiếp cận golf khi ngồi trên ghế giảng đường |
ĐHTL |
GS-TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, thông tin môn golf được thiết kế gồm 5 tín chỉ với 50 tiết lý thuyết và 100 tiết thực hành.
Khi học golf, sinh viên được trang bị những kỹ năng, kỹ xảo, động tác kỹ thuật đánh golf. Bên cạnh đó, trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản như: luật Golf, các nguyên tắc ứng xử, văn hóa golf, các thuật ngữ trong golf, cách phòng tránh chấn thương trong golf....
Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, nhờ tiếp cận môn thể thao cao cấp này ngay khi là sinh viên sẽ giúp sinh viên khi ra trường tự tin, cũng như mở rộng các mối quan hệ.
Được biết, hiện nay trường chỉ đang dạy ở mức độ cơ bản, chủ yếu về lý thuyết. Việc thực hành ở những mức độ thấp nhất đang được dạy ở nhà lồng hay qua phòng tập mô phỏng với mô hình 3D. Về sau, sinh viên sẽ được thực hành trên sân cỏ nhân tạo.
Cũng từ năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa golf vào môn học tự chọn trong chương trình giáo dục thể chất bên cạnh các môn thể thao khác như bóng đá, cầu lông, bóng chuyền... Ông Nguyễn Việt Hòa (Giám đốc Trung tâm giáo dục thể chất và thể thao, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ với Thanh Niên: "Trung tâm đã hợp tác với Học viện Nason gofl để đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức đội ngũ nhân sự dành cho môn thể thao này".
Tuy nhiên, ông Hòa thừa nhận hiện nay cơ sở vật chất để đáp ứng việc dạy golf chưa như mong muốn. "Thế nên dù khá nhiều sinh viên lựa chọn golf, nhưng chỉ bố trí các lớp với số lượng giới hạn. Hiện sinh viên tập golf trong nhà lồng. Đến tháng 9.2022 sẽ hoàn thiện sân tập", ông Hòa cho biết.
Bình luận (0)