Muôn kiểu đàn ông Việt: Sạch túi với bạn, chi li... phát từng đồng cho vợ đi chợ!

Trong cuộc sống, có những người đàn ông keo kiệt đến mức phát tiền cho vợ đi chợ, nhưng có những người làm ra bao nhiêu đưa vợ bấy nhiêu. Lại có người ở nhà ki bo, ra đường hào phóng… Nói chung là rất nhiều “thể loại”.

Thế hệ trẻ có những đôi vợ chồng sống rất hiện đại, ta gọi là “kiểu Tây”. Chồng giữ tiền chồng, vợ giữ tiền vợ, chi tiêu góp chung. Đó là cách hay, rạch ròi, đâu ra đó.
Nhưng văn hóa Á đông thường khó chấp nhập, chí ít là thấy có gì đó sai sai. Vì thế, đa phần, những công chức, viên chức hoặc người làm có thu nhập cố định thường giao thẻ cho vợ giữ (trong nhiều trường hợp không giao không được). Điện thoại mình báo tin tiền vào nhưng ví thì vẫn trống.
Lại có những người, làm ra bao nhiêu tiền thì giao hết cho vợ, khi cần mới lấy.
Nói chung là muôn hình vạn trạng.
Nhưng có lẽ, dù cách nào, các ông chồng cũng có một khoản để riêng, đó là những món tiền từ thu nhập không thường xuyên mà vợ không biết, nếu người trong cùng đơn vị không nói ra. Những người quản lý biết điều này nên có khoản chuyển qua thẻ nhưng có khoản trả tiền mặt. Rất tâm lý.
Chuyện cất tiền riêng dẫn đến nhiều tình huống bi hài. Một vị giáo sư, thầy tôi, đi bước nữa với cô nghiên cứu sinh do mình hướng dẫn. Gặp, nói chuyện gia đình, thầy than: "Tưởng lấy cô ấy về nâng khăn sửa áo, ai ngờ cô ấy nâng khăn sửa… ví”.
Một anh khác, cất tiền riêng chỗ nào vợ cũng biết, đến mức, giấu dưới tấm lót giày đang đi cũng bị moi ra.
Thật thảm.
Đi nhậu thì hào phóng với bạn bè, ở nhà thì chi li từng đồng với vợ... Ảnh minh họa: Shutterstock
 

Giàu mà không sướng

Trong thực tế, bằng chừng đó năm đã sống, tôi thấy, keo kiệt thuộc về bản tính. Nếu một người đàn ông keo kiệt với vợ thì họ không hề rộng rãi với ai. Bạn bè hẹn đi nhậu, nếu buộc thế chia tiền trả thì họ trả, còn không thì đến lúc tính tiền họ sẽ nghe điện thoại, đi toilet hoặc nhìn ra đường và… xỉa răng. Trăm lần như một. Nhưng họ là người “gọi (nhậu) đâu có đó”. Những người này có thể giàu nhưng không sang, giàu mà không sướng.
Những người tuýp này, họ chỉ “rộng rãi có mục đích”, ví như đang thích cô nào họ có thể chi tiền mua quà sang, nhưng đạt được rồi thì đừng mơ.
Những người đàn ông tự nguyện giao hết cho vợ thường là những người đàn ông làm ra tiền và coi tiền không mấy quan trọng, hết thì có thể làm ra. Họ sống hào phóng, tự tin và rất xởi lởi. Những con người này có năng lượng. Phục và thích mấy anh nhậu xong gọi vợ đến trả tiền mà vợ vẫn rất hớn hở.
Cũng có loại người, loại này có tôi, dù có lúc trong ví không có một xu, nhưng gặp bàn bè thì cứ như mình có tiền vài chục triệu. Gọi đồ đắt tiền bạn thích mà không hề chớp mắt. Loại đàn ông này coi trọng bạn bè hơn cả. Rốt cuộc, họ cũng chẳng nghèo đi, vì “giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ”.
Bài viết này chỉ nói về những người gọi là có tiền, chứ làm không ra tiền thì bản tính có muốn hào phóng mấy cũng phải… bủn xỉn thôi!
... mà về nhà lại tính toán với vợ con Ảnh minh họa: Shutterstock
 

Rất sĩ diện nên hay bị tổn thương

Đàn ông lạ lắm. Chở vợ đi chợ, trong khi vợ mặc cả từng đồng để mua bó rau muống thì anh ta ngồi đốt vài ba điều thuốc ba số (555), mỗi điếu 2.500 đồng. Khi mua đồ họ mặc cả lên xuống tiền nghìn nhưng khi đi uống bia họ không cần nhìn chi tiết mà chỉ coi con số tổng ghi dưới hóa đơn và dư vài trăm nghìn cũng… khỏi thối.
Cánh đàn ông hay nói vui, cụ thân sinh ra các con ta chẳng bà con gì với ta nhưng là người thay mặt bố mẹ ta dạy ta nên người. Vui nhưng không đùa đâu, thật. Thật ở chỗ, tính cách của người đàn ông khi đã có gia đình phụ thuộc rất nhiều vào tính cách người vợ. Nếu người đàn bà chung thủy, biết lo toan cho gia đình, không chỉ gia đình nhỏ của mình mà cả dòng họ nội, ngoại, thì anh ta, dù bản tính keo kiệt mấy cũng không thể đếm tiền cho vợ đi chợ.
Còn nếu người phụ nữ nào đã như thế rồi mà anh ta vẫn bủn xỉn, keo kiệt thì anh ta đã yêu tiền hơn yêu vợ. Lúc đó thì hãy tự chủ lấy cuộc đời mình.
Trong bài “Bí mật của cánh đàn ông”, tôi có nói: “Từ nhỏ, họ đã được dạy dỗ “cho xứng mặt đàn ông”, do vậy họ luôn luôn hành động để “xứng mặt”… Đàn ông rất coi trọng sĩ diện, vì thế họ hay bị tổn thương. Cho họ chút sĩ diện đi vì bản thân họ đều biết họ có tài giỏi như Tôn Ngộ Không thì cũng nằm trong lòng bàn tay của Phật tổ Như Lai mà thôi. Vậy đàn bà cứ yên tâm mà làm Phật tổ”.
Vấn đề là làm Phật tổ cũng biết khi nào nới lỏng, khi nào úp chặt bàn tay.
Có "thể loại" đàn ông "rộng rãi có mục đích” Ảnh minh họa: Shutterstock
 

Sự hào phóng... vô lối

Có dạo, tôi vì thấy mình thu nhập cao hơn mấy đứa khác nên hay giành trả tiền nhậu. Một hôm, người sinh viên (nay đã là giảng viên) nói: “Thầy ơi, thầy cứ làm thế hoài không được, thầy phải nghĩ là bọn em cũng tự trọng chứ?”.
Câu nói làm tôi giật mình, ừ nhỉ, không phải có tiền là giành trả được. Từ đó, nếu có hẹn thì tôi mặc cả: Hôm nay mấy đứa chia tiền trả nghe, thầy trả một phần. Nếu không thầy không đi đâu. Hoặc, hôm nay thầy có tiền, cho thầy trả nha.
Keo kiệt thì không tính, nhưng đôi khi sự hào phóng cũng trở nên vô lối. Vô lối nhất, đi nhậu họ có thể giành trả tiền đến dăm bảy triệu nhưng khi bạn hỏi mượn dăm triệu thôi thì họ rất “ấm ớ”.
Vì sao? Như đã nói trên, đàn ông rất coi trọng sĩ diện, sĩ diện ở đám đông. Đó là những người đàn ông không sâu sắc, họ có thể nhiều bạn nhậu nhưng ít bạn đời. Cũng như người đàn ông được phụ nữ thích vì ga lăng, bảo đảm họ không hề ga lăng với vợ (có nhưng chỉ lúc đang yêu).
Người đàn ông bình thường kiệm lời, ít phô trương nhưng xuất hiện đúng lúc, nhất là lúc bạn bè khó khăn, họ chính là người… đáng mặt đàn ông!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.