Mỗi tháng, Lê Phúc Hưng, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, được gia đình chu cấp gần 3,5 triệu đồng. Với một khoản tiền như vậy, chàng trai phải tính toán chi tiêu thật chi tiết để không bị thâm hụt.
Hưng cho biết: "Mình học tập, sinh sống ở Làng đại học TP.Thủ Đức nên mọi chi phí cũng rẻ, chứ nếu học ở trung tâm thành phố thì làm gì có giá này. Ở trường có máy lọc nước nên mình thường đem theo bình đựng nước để lấy nước uống. Ngoài ra, mình hạn chế tham dự những cuộc tụ tập bạn bè ăn uống ngoài hàng quán vì một bữa có thể "đốt" hết số tiền cho cả một tuần ăn bình thường của mình".
Dù đã cố gắng cân bằng việc chi tiêu với số tiền được gia đình chu cấp mỗi tháng nhưng Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, vẫn loay hoay với bài toán tiền sinh hoạt hằng ngày.
Thảo chia sẻ: "Bữa sáng, mình sẽ mua bánh mì trứng ốp la, có bữa thì xôi ngọt bán trước cổng trường khoảng 10.000 đồng. Buổi trưa, mình mua cơm chay giá 15.000 đồng. Chiều đi học về, mình ăn phần cơm "bụi" gì đó, mà thường sẽ có bịch "canh đại dương" với lèo tèo vài cọng rau. Để no bụng, mình còn xin cơm thêm miễn phí tại quán".
Trung bình một tháng, Phương Thảo chi tiêu khoảng 3 triệu đồng. Thi thoảng cô nàng mới có dịp đi ăn với bạn bè nhưng cũng không dám phung phí quá nhiều. Quần áo, giày dép vài tháng Thảo mới mua một lần.
Thảo nói: "Mình luôn dùng câu "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" để áp dụng vào cách chi tiêu hằng ngày".
Để có thêm thu nhập trang trải chi phí học tập, sinh hoạt, Nguyễn Nhật Đăng, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, tranh thủ những giờ không có lịch học tại trường đi phụ bán quán cơm. Nhật Đăng chia sẻ: "Mình được chủ bao cơm 1 bữa nên đỡ được chi phí. Ở ký túc xá nên mình xin việc quanh các quán gần đó để kiếm thêm tiền và tiện cho việc đi lại".
Mỗi ngày đến trường, Nhật Đăng đều lựa chọn đi xe buýt. Một tháng, tiền đi xe buýt của Đăng nhiều nhất cũng chỉ khoảng 200.000 đồng.
Đối với những sinh viên các tỉnh lên thành phố để học tập, tiền thuê phòng trọ chiếm một khoản chi phí khá lớn. Vì vậy, sinh viên tìm những nơi có giá thuê phòng rẻ để giảm chi phí xuống thấp nhất có thể.
Sống trong căn phòng trọ nóng nực khoảng 15 m2 ở P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, với giá khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, Trần Thị Thanh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng đây là lựa chọn phù hợp vì gần trường, đỡ tốn xăng đi lại.
Thanh nói: "Để tiết kiệm chi tiêu, mình ở ghép với các bạn học chung lớp. Việc ở ghép sẽ giúp mình giảm gánh nặng phí thuê nhà, tiết kiệm được thêm một khoản tiền hằng tháng. Mình và người bạn kia sẽ thay phiên đi chợ. Thỉnh thoảng, mình tiết kiệm được tiền nấu ăn bằng thực phẩm ở quê gửi lên".
Bình luận (0)