Muôn kiểu phá hoại di sản

10/03/2018 06:44 GMT+7

Trùng tu bằng cuốc xẻng, 'dịch' sơn thếp di sản, nhá móng tay cho tượng, xây thêm công trình không phép... Nhiều di sản đã bị phá hoại như thế khi hệ thống bảo vệ bất lực.

[VIDEO] Cận cảnh cây cầu khổng lồ xâm hại Tràng An - di sản thế giới
Xây không phép, phá không tắc
Những ngày qua, việc một công ty ngang nhiên xây dựng cây cầu dài cả nghìn mét đâm xuyên lõi di sản hỗn hợp Tràng An (Ninh Bình) đang làm "nóng" dư luận. Nguy cơ bị UNESCO cho vào danh sách cảnh báo về bảo tồn đối với di sản này đang rất gần. Việc xây dựng đã được lập biên bản từ tháng 8.2017, tuy nhiên chủ đầu tư vẫn cố tình xây tiếp mỗi khi đoàn kiểm tra rút. Sai phạm này được một chuyên gia địa chất đánh giá là xâm hại rất nghiêm trọng đến tính toàn vẹn của di sản. “Đá vôi rất giòn và dễ nứt nẻ. Có những khối đá nguy cơ đổ xuống lúc nào không biết. Mình khoan, cắm cọc vào đó, đến lúc nó đổ xuống thì chết người. Mà lại xấu, kệch cỡm”, vị chuyên gia này nói.
Trước đây, hồi năm 2014, khi đoàn kiểm tra của Bộ VH-TT-DL tới di tích quốc gia chùa Sổ (H.Thanh Oai, Hà Nội), chuyên viên Bộ VH-TT-DL chỉ biết thở dài khi hiện trường của chùa như một đống đổ nát sau chiến tranh. Từng đám ngói đổ vỡ chồng lên nhau. Ngói rơi còn làm sập một hương án cổ đã vài trăm năm tuổi. Trong khi đó, theo nguyên tắc trùng tu, những viên ngói này phải được chuyền tay chuyển xuống để phân loại, trước khi quyết định có được tái sử dụng hay không. “Hiện trường có nét rất giống ở đình Hương Canh”, ông Nguyễn Minh Khang, cán bộ Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) khi đó, nói. Di tích quốc gia đình Hương Canh (H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cũng trong năm 2014 vừa được thợ trùng tu dỡ ngói theo cách dùng cuốc xẻng cuốc vỡ ngói rồi gạt từ mái xuống!
Nhà hát Lớn sơn màu lạ Ảnh: Ngọc Thắng
Nỗi sững sờ đó sau này lặp lại khi đoàn kiểm tra của Sở VH-TT Hà Nội tới di tích quốc gia chùa Hương hồi năm 2016. Tại đó, một tòa nhà 3 tầng có tên Hương Nghiêm pháp đường được xây dựng không phép với nhiều trang trí, kiến trúc xa lạ với kiến trúc chùa Việt. Chẳng hạn, để ngăn gian, người ta dùng cửa lửng - hình ảnh thường thấy ở các... quán rượu trong phim Mỹ.
Công trình ở suối Khe Thẻ, Mỹ Sơn (Quảng Nam) cũng gây kinh ngạc cho giới bảo tồn vào năm 2013. Khi đó, dòng suối thiêng ở ngay vùng lõi của di sản thế giới này đã bị đổ bê tông cứng hóa. Ông Nguyễn Công Hường, Trưởng ban Quản lý Khu di tích Mỹ Sơn, khẳng định: “Việc làm kè là cần thiết và cấp thiết trong khi chờ đợi các biện pháp xử lý chống nghiêng cho tháp B3, và việc thi công không ảnh hưởng đến không gian của di tích”. Tuy nhiên, Cục Di sản cho biết không hề có văn bản nào cho phép cứng hóa, kè xi măng con suối cổ này như vậy.
Một di sản UNESCO khác là vịnh Hạ Long cũng bị xâm hại theo cách khác hồi năm 2014. Tại hang Đầu Gỗ, khoảng 150 người tham dự hòa nhạc. Ban tổ chức đốt 20 bát nến quanh nơi biểu diễn, trong đó có 8 bát đặt trên chảo bằng tôn lớn có phản xạ ánh sáng. Trong khi đó, chuyên gia địa chất đã cảnh báo về việc có tới 4 loại khí không đạt tiêu chuẩn cho phép trong hang. “Nên cấm hút thuốc hoặc cấm lửa trong hang vì mặc dù nồng độ CH4 (mê tan) còn đang trong giới hạn cho phép nhưng vẫn có khả năng gây cháy nổ”,
PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản khi đó, cho biết.
Thông tin tê liệt, không thể vãn hồi
Hương Nghiêm pháp đường xây không phép ở chùa Hương Ảnh: Hà Nguyễn
Các vi phạm trên hầu hết đều diễn ra trong thời gian dài, nhưng cơ quan quản lý văn hóa cao nhất là Bộ VH-TT-DL lại không biết. Chẳng hạn, với vụ việc ở Khe Thẻ, khi thông tin được báo chí đăng tải, việc xây dựng cầu và cứng hóa suối thiêng đã hoàn thành. Vụ việc ở Hương Nghiêm pháp đường cho thấy, trong suốt 4 năm kể từ khi xây dựng tòa nhà này, Sở VH-TT đã không hề biết đến sự tồn tại của nó. Chùa Trăm gian (Hà Nội) đã xây xong dãy nhà mới khi được phát hiện có xâm hại.
Mới đây nhất, vụ xây cầu dài hơn nghìn mét tại di sản hỗn hợp do UNESCO công nhận - Khu danh thắng Tràng An, cho tới khi Thanh tra Bộ VH-TT-DL xuống kiểm tra, không một báo cáo nào được gửi về Cục Di sản hay Tổng cục Du lịch về việc này. Việc xây dựng tại Tràng An đã kéo dài nhiều tháng, nhưng phải tới đầu tháng 3, Thanh tra Bộ mới biết thông tin qua báo chí và xuống làm việc.
Chưa kể đến nhiều vụ việc khác, khi phát hiện thì việc đã rồi. Chẳng hạn, việc sơn phết ở di tích quốc gia chùa Đậu (Hà Nội) đã khiến các bức tượng La Hán tại đây rơi vào tình trạng móng chân móng tay đỏ chót và nước sơn bóng loáng. GS Trần Lâm Biền, một chuyên gia mỹ thuật cổ, đánh giá: “Đấy là xu hướng đĩ thõa hóa tượng”. Vụ việc này cũng chỉ được biết khi báo chí đưa tin.
Điều đáng nói hơn, nhiều công trình sau khi phát hiện sai phạm đã rơi vào tình trạng không thể vãn hồi. Hương Nghiêm pháp đường giờ vẫn đứng sừng sững và không thể hoàn trả nguyên trạng. Ở di tích quốc gia đặc biệt chùa Trăm gian, đành phải chấp nhận công trình đã bị “cấy” vào. Sau khi bị sơn thếp, di tích quốc gia đền Gióng (H.Gia Lâm, Hà Nội) đã không thể phục hồi như cũ. Chuyên gia mỹ thuật sau giám định cho biết, nếu bóc lớp sơn này đi sẽ làm hỏng mảng chạm tốt nhất, đẹp nhất ở đây. Hiện tại, việc gỡ bỏ công trình xây trái phép, trả lại nguyên trạng cho di sản Tràng An cũng sẽ phải đối mặt với việc di sản bị tổn thương do đá vôi vốn rất giòn.
Cầm vàng không tiếc vàng
Sơn móng chân tay cho tượng La Hán ở chùa Đậu Ảnh: Ngọc Thắng
PGS-TS Trang Thanh Hiền, Đại học Mỹ thuật Hà Nội, cho biết bản thân người trực tiếp giữ di sản cũng không hiểu hết giá trị của nó. Vì thế, họ phá nó một cách rất hồn nhiên. Chẳng hạn, bà từng chứng kiến người dân bắn đinh vít, rào di tích quốc gia đình Chu Quyến (Hà Nội) bằng rào lưới B40 làm... kho chứa đồ phục vụ tu bổ ngôi đền bên cạnh. Việc sơn thếp ở đền Gióng cũng là một trường hợp như vậy.
Cục Di sản cũng có cái khó của mình. Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, với số lượng di tích quá lớn, hiện nếu không phân cấp thì không một Cục di sản nào có thể ôm đồm hết được. “Địa phương sát với di sản nên có hiện tượng gì xảy ra họ cũng biết đầu tiên. Cục Di sản, Hội đồng di sản cũng sẵn sàng giúp đỡ tư vấn chuyên môn cho địa phương nếu họ muốn tham vấn”, ông Tín nói. Thống kê đến năm 2014, chúng ta có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh, trong đó hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
Một thành viên Hội đồng di sản cho biết, không chỉ mắc mứu vì kiến thức địa phương kém, mà còn ở trách nhiệm của người giữ di sản. Ông lấy ví dụ về việc sơn mới di tích quốc gia đặc biệt Nhà hát Lớn hồi năm 2015. Theo đó, giám đốc nhà hát đã cho sơn mà không tham khảo hồ sơ về di tích này. Chính vì thế, nhà hát mới xây có màu vàng chóe không liên quan đến di tích gốc. Thanh tra Bộ VH-TT-DL khi đó cũng cho biết, ngay cả khi sửa chữa định kỳ vẫn phải xin phép. “Đây rõ ràng là do ý thức trách nhiệm kém”, vị thành viên Hội đồng di sản này nói.
Yêu cầu hoàn trả mặt bằng, cảnh quan môi trường cho danh thắng Tràng An
       
Ngày 8.3, Bộ VH-TT-DL gửi văn bản yêu cầu UBND tỉnh Ninh Bình xử lý nghiêm minh đối với các hoạt động xây dựng trái phép tại khu vực núi Cái Hạ (thuộc thôn Trường An, xã Trường Yên, H.Hoa Lư), để hoàn trả mặt bằng, cảnh quan môi trường của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An; đồng thời đình chỉ các hoạt động dịch vụ, du lịch chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật hiện hành tại khu vực núi Cái Hạ.
Theo báo cáo, ông Nguyễn Văn Son, Giám đốc Công ty du lịch Tràng An tại khu vực núi Cái Hạ đã cho xây dựng cây cầu lên núi Cái Hạ. Cây cầu có 2.234 bậc, chiều dài hệ thống bậc là 1.115 m.
Trinh Nguyễn
“Nhờn luật khi bảo tồn di sản”
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình (ảnh), sáng lập viên nhóm những người yêu văn hóa cổ Đình làng Việt, đang có hiện tượng nhờn luật trong bảo tồn di sản.
Trùng tu như phá, xây thêm cũng như phá di sản. Ông nghĩ nguyên nhân là do trình độ hay ý thức của cán bộ quản lý ở cơ sở?
Tình trạng di sản bị cơi nới, tu bổ, xây mới... làm mất đi yếu tố gốc của di sản, vi phạm luật Di sản văn hóa là có thật. Theo tôi, mấu chốt của vấn đề là cán bộ quản lý. Đầu tiên, cán bộ được phân công nhiệm vụ trực tiếp quản lý di sản “có vấn đề” như buông lỏng quản lý, trình độ nghiệp vụ yếu kém. Cũng không loại trừ trường hợp cán bộ quản lý thông đồng, tiếp tay hoặc trực tiếp làm hỏng di sản. Và đau đớn nhất đó là cán bộ quản lý di sản không có tình yêu với di sản.
Khảo sát tại các địa phương, chúng tôi thấy rất rõ, ở đâu cán bộ tốt thì ở đó di sản được giữ gìn tốt và ngược lại. Cán bộ nào thì bảo tồn di tích nấy.
Mới đây, cầu nghìn mét xuyên lõi di sản Tràng An cũng xây nửa năm mà không có báo cáo nào về Bộ. Theo ông, đó có phải là sự tê liệt của hệ thống bảo tồn di sản ở cơ sở?
Theo tôi, đây là hiện tượng nhờn luật. Từ khi luật Di sản văn hóa được ban hành, có bao nhiêu sự vụ trùng tu sai, trùng tu như phá, xây mới trên lõi di tích, rồi mất cắp cổ vật, cháy đình, chùa, di tích đã xếp hạng bị xuống cấp không được tu bổ… Báo chí, dư luận phát hiện nhưng hầu như chưa có vụ việc nào những người liên quan phải hầu tòa. Chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại về việc thực hiện luật pháp trong lĩnh vực di sản. Nếu xử lý nghiêm, chế tài nặng đối với các vụ việc thì sẽ giảm tình trạng di sản bị xâm hại như hiện nay.
Có những di sản cần nhiều chuyên gia của các ngành khác nhau. Chẳng hạn, ở Hạ Long, chúng ta cần chuyên gia môi trường, chuyên gia địa chất. Với Tràng An, chúng ta cần kiến thức của chuyên gia. Vậy làm sao cán bộ cơ sở có thể đáp ứng được từng đó kiến thức?
Trong Hội đồng di sản, chúng ta có thể thấy có chuyên gia của nhiều lĩnh vực như lịch sử, mỹ thuật cổ, khảo cổ, địa chất... Tôi nghĩ từ Hội đồng di sản có thể tạo ra được những kết nối về chuyên ngành để tư vấn cho các địa phương. Có thể cấp kinh phí cho hội đồng thực hiện những chuyến kiểm tra đột xuất di sản. Hoàn toàn có thể coi họ như những chuyên gia độc lập để kiểm tra giám sát việc bảo tồn di sản.
Tại nhóm Đình làng Việt của ông, có nhiều người tự nghiên cứu mà rất am tường di sản. Theo ông, vai trò của cộng đồng trong bảo tồn di sản ở đây nên được phát huy như thế nào?
Di sản ở đâu cũng vậy, sẽ sống được, phát huy được nhờ cộng đồng. Nhiều địa phương, ban quản lý di tích, hội người cao tuổi... thực hiện công tác gìn giữ di sản rất hiệu quả. Ở đâu cộng đồng có người am hiểu lịch sử, văn hóa, có kiến thức về bảo tồn di sản, hiểu biết về luật pháp thì ở đó công tác bảo vệ di sản rất tốt. Chúng tôi gọi những hạt nhân như vậy là “trí thức làng”. Có những người không có bằng cấp gì nhưng kiến thức rất tốt, có những người trẻ nhưng qua sách vở tích lũy được họ phát huy và đóng góp nhiều cho địa phương. Theo tôi, các cơ quan quản lý nhà nước cần chú ý xây dựng mạng lưới “trí thức làng” này để có thông tin thường xuyên hai chiều về di sản.
Xin cảm ơn ông!
Trinh Nguyễn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.