Muốn làm lĩnh vực chứng khoán thì có thể học ở đâu, trường đào tạo những gì?

02/04/2022 09:22 GMT+7

Hiện chỉ có một vài trường ở TP.HCM đào tạo chuyên ngành về chứng khoán. Còn lại hầu hết lĩnh vực này chỉ được dạy lồng ghép trong các chuyên ngành khác, rất ít trường đào tạo chuyên nghiệp dù nhu cầu thị trường cao.

Học ‘tất tần tật’ về chứng khoán

Là một trong rất ít trường ở TP.HCM có chuyên ngành về chứng khoán, tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính (Khoa ngân hàng, ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết trường có đào tạo chuyên ngành Thị trường chứng khoán (thuộc ngành tài chính - ngân hàng). Bắt đầu vào năm 2, sinh viên có thể chọn theo học chuyên ngành này.

Theo học ngành này, sinh viên sẽ được đào tạo theo hai hướng hàn lâm và thực tiễn. Trong đó, hướng hàn lâm được trường xây dựng dựa trên việc tham khảo chương trình của những trường hàng đầu thế giới và chủ yếu dạy những kiến thức nền, lý thuyết.

Ngoài ra, sinh viên còn được đào tạo theo hướng thực tiễn, ứng dụng chương trình của các tổ chức tài chính và chứng khoán của thế giới. Trong đó, hơn 50% nội dung ứng dụng từ chương trình của CFA (Chartered Financial Analyst - Chứng chỉ phân tích đầu tư tài chính). Ngoài ra, sinh viên còn được học về ACCA (The Association of Chartered Certified Accountants), CPA (Certified Public Accountants)…

Học chứng khoán, sinh viên được đào tạo tất tần tật về lĩnh vực này, tuy nhiên hiện nay rất ít trường có chuyên ngành về lĩnh vực này mà thường dạy lồng ghép trong các chuyên ngành khác

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tiến sĩ Huân lưu ý việc đào tạo theo hướng hàn lâm sẽ giúp sinh viên sau khi ra trường được trang bị kiến thức đầy đủ để có thể học lên bậc thạc sĩ, tiến sĩ. Còn hướng thực tiễn giúp sinh viên nắm kiến thức thực tiễn. Sinh viên còn được học trực tiếp với những người có kinh nghiệm thực tế, làm việc tại các quỹ đầu tư để có cái nhìn đa chiều về ngành này.

“Với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán nhiều năm nay, nhu cầu nhân lực ngành này rất cao, nhiều sinh viên trường tôi học tới năm 3 đã xin được công việc thực tập có lương tại các công ty chứng khoán”, tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân nói.

Cụ thể hơn, khi theo học ngành này, sinh viên được đào tạo tất tần tật liên quan đến thị trường chứng khoán và tài chính. Những môn vỡ lòng như thị trường tiền tệ, thị trường vốn… sẽ giúp trang bị cho sinh viên kiến thức về thị trường, cách vận hành.

Những môn tiếp theo như phân tích đầu tư chứng khoán, trang bị cho sinh viên kỹ thuật phân tích để có thể phân tích và đầu tư được nhiều lĩnh vực như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản…

Bên cạnh đó, với môn quản lý quỹ đầu tư, sinh viên học cách quản lý quỹ đầu tư như thế nào, danh mục mã cổ phiếu, trái phiếu…

Còn môn quản trị rủi ro các định chế tài chính giúp sinh viên nắm được cách quản trị danh mục đầu tư, các định chế tài chính có những rủi ro gì để quản lý.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại số, sinh viên chuyên ngành này cũng được trang bị kiến thức về digital với rất nhiều môn học mang tính thời sự như: blockchain, digital finance (tài chính số)… để đầu tư chứng khoán.

Thị trường chứng khoán đang chịu nhiều áp lực sau vụ Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán

VGP

Sinh viên được đào tạo 4 nghiệp vụ chính về chứng khoán

Theo tiến sĩ Huân, sinh viên còn được học về nghiệp vụ công ty chứng khoán với 4 nghiệp vụ chính. Đầu tiên là môi giới chứng khoán, hướng dẫn sinh viên những kỹ năng cần thiết, khả năng giao tiếp, kiến thức nào.

Còn nghiệp vụ tư vấn chứng khoán thì các em phải biết viết báo cáo ra sao, tư vấn thế nào…

Về nghiệp vụ, phát hành chứng khoán, một công ty muốn phát hành chứng khoán thường phải nhờ đến dịch vụ phát hành chứng khoán của những công ty chuyên nghiệp để phát hành, do đó sinh viên được đào tạo để có thể đứng ra bảo lãnh phát hành cho những công ty này.

Và cuối cùng, với nghiệp vụ tự doanh, sinh viên được học về đầu tư chứng khoán. Mỗi nghiệp vụ sinh viên đều phải đi thực tế ở các công ty chuyên về chứng khoán.

“Đây là ngành học khá đặc biệt, sinh viên dễ dàng kiếm được việc làm và thu nhập thậm chí rất cao. Tuy nhiên, trên thực tế, cả thí sinh, phụ huynh vẫn quan niệm đây là ngành "bấp bênh" và có chút mạo hiểm nên không nhiều em chọn theo chuyên ngành này. Nhiều em còn sợ cụm từ "chứng khoán" nhưng trên thực tế học ngành này ra các em có thể làm được ở rất nhiều vị trí công việc khác nhau chứ không đơn thuần chỉ là đầu tư hay môi giới chứng khoán”, ông Huân nói thêm.

Tuy nhiên, tiến sĩ Huân cũng nhận định đây là ngành đòi hỏi kỹ năng cao và áp lực công việc khá lớn.

Học chứng khoán thì làm được những gì?

Từng giảng dạy các môn chuyên ngành về chứng khoán, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho hay lĩnh vực này thường được đào tạo chung trong ngành tài chính - ngân hàng.

Khi học chuyên ngành tài chính, sinh viên sẽ được học chung khối kiến thức về tài chính ngân hàng, quản trị, kế toán… Và đặc biệt, sinh viên còn được học sâu về phân tích tài chính doanh nghiệp; đầu tư tài chính, quản lý danh mục đầu tư, tài chính phái sinh, quản lý rủi ro. Đặc biệt sinh viên cũng được học các nghiệp vụ trên thị trường chứng khoán như: giao dịch, bảo lãnh phát hành, môi giới, tư vấn đầu tư…

Học chuyên ngành này, nếu muốn làm việc trong lĩnh vực chứng khoán, sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm ở nhiều vị trí công việc khác nhau. Trong những công ty chứng khoán, sinh viên có thể làm môi giới, tư vấn, tự doanh, bảo lãnh phát hành chứng khoán, nghiệp vụ ngân hàng đầu tư (Investment Banking)…

Về quỹ đầu tư, sinh viên học xong có thể làm chuyên viên quản lý quỹ đầu tư, quản lý danh mục đầu tư, chuyên viên tư vấn…

Ngoài chứng khoán, trong chương trình học, sinh viên còn được trang bị đầy đủ kiến thức về tài chính ngân hàng nên ra trường có thể làm trong lĩnh vực này hoặc làm việc ở các công ty bảo hiểm, công ty tài chính…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.