Muôn màu kịch Sài Gòn - Kỳ 6: Xem Hoàng Thái Thanh để được... khóc

06/06/2020 06:54 GMT+7

Năm 2010, đạo diễn Ái Như và NSƯT Thành Hội rời các sân khấu mình đang cộng tác như 5B, IDECAF để “ra riêng”, thành lập Sân khấu Hoàng Thái Thanh đặt tại Nhà thiếu nhi TP.HCM, nhưng 2 năm sau thì dời đến Trung tâm văn hóa Q.10 và tồn tại đến bây giờ.

Hoàng Thái Thanh đã tạo được một bộ mặt rất riêng, trở thành nơi chuyên trị bi kịch và những bối cảnh thôn quê đầy hoài niệm.

Nước mắt trị liệu nỗi đau

Đến với Hoàng Thái Thanh, khán giả luôn có dịp để khóc, thậm chí khóc rất nhiều. Bởi nơi đây hầu như luôn có những bi kịch để người ta thấm thía chuyện nhân tình thế thái.
Có thể nói, nếu như kịch Kim Cương từng được gọi là “melo” với những vở bi kịch tuyệt vời, thì Hoàng Thái Thanh có thể được xem là “hậu duệ” vì cũng melo không kém, tất nhiên có hiện đại hơn Kim Cương, có bản sắc khác Kim Cương.
Đạo diễn Ái Như từng nói: “Bảo chúng tôi melo hay bi kịch cũng không sao, vì melo đánh thức cảm xúc của khán giả, vì suy cho cùng thì người ta cũng cần khóc để thanh lọc tâm hồn. Cười cũng tốt, nhưng khóc lại trị liệu vết thương hay hơn. Nếu con người chỉ biết cười, mà không biết khóc cho những số phận, những cảnh đời, thì coi chừng rơi vào vô cảm. Biết buồn, biết đau, biết khóc, là dấu hiệu của trái tim còn rung động. Bi kịch của chúng tôi gần gũi với đời sống hiện thực, nên khán giả tìm thấy họ trong đó, hoặc những người quen của họ, và họ khóc vì cảm thương, vì nhận ra điều gì đó để sửa mình, hoặc cảnh tỉnh”.
Quả thật, kịch của Hoàng Thái Thanh thường có những thông điệp sâu sắc ẩn sau làn nước mắt. Người điên trong ngôi nhà cổ là câu chuyện dữ dội về lòng tham của con người. Nửa đời ngơ ngác là chuyện tình yêu bị ngăn cách bởi lòng thù hận và quan niệm môn đăng hộ đối. Bao giờ sông cạn là sự mỏi mòn chờ đợi của những trái tim lỡ nhịp. Mơ trăng bóng nước lại nhắc người ta phải biết nắm lấy hạnh phúc trong tầm tay, đừng mãi hoài vọng thứ đã mất mà bỏ rơi tấm chân tình đang ở cạnh bên. Bàn tay của trời là lời cảnh tỉnh đáng sợ về giáo dục, khi mà chúng ta chỉ lo gieo những hạt mầm bất thiện thì đừng mong thế hệ sau sẽ gặt hái được quả lành… Nhìn bi kịch của các nhân vật mà người ta phải giật mình và nhắc mình sống tử tế hơn.
Nhưng bi kịch của Hoàng Thái Thanh không đơn điệu một màu, nó lồng vào đó nhiều tiếng cười rất duyên. Thành Hội và Ái Như cũng như các cộng sự Hồng Ánh, Trí Quang, Ngọc Duyên, Quốc Thái không phải là diễn viên hài, nhưng khi cần hài thì lại rất giỏi. Họ thả nhẹ vài đường nét là khán giả cười rần. Hoàng Thái Thanh vẫn có những cây hài đáng nể như Xuân Hương, Quốc Thịnh, cho nên màu sắc của bi kịch cũng vơi bớt u ám.
Một điểm ấn tượng của Hoàng Thái Thanh là thường xuyên tái hiện những bối cảnh nông thôn, những góc quê dân dã, khiến người xem rưng rưng vì thương nhớ. Với lớp trẻ lớn lên ở thành thị không biết được những cảnh thật ấy ngoài đời, thì khi xem kịch cũng thấy bồi hồi bởi nó tạo một cảm giác hiền lành dễ mến. Đôi khi đó là một góc phố Sài Gòn bình dân (vở Sài Gòn có một ngã tư) chứa đựng những con người chân tình. Một hẻm nhỏ Sài Gòn (Tình yêu trời đánh) có những ngôi nhà cũ rách, nhưng sáng lên nghị lực của người nghèo quyết vươn lên bằng bàn tay, khối óc.
Bao giờ sông cạn có chiếc ghe cắm trên bến nước treo lủng lẳng những bịch cốm, bịch kẹo. Sông dài có chiếc cầu tre lắt lẻo, cái vó cất lên bắt cá, một giàn mướp trái lủng lẳng đáng yêu. Hoặc cái võng đan bằng tre lâu lắm rồi không gặp trong Mơ trăng bóng nước khiến người xem thích thú, coi như tham quan một “bảo tàng” trưng bày vật dụng của dân Nam bộ ngày xưa. Tục lụy thì có một cái nôi làm bằng tre na ná cái thúng, treo lên bằng mấy sợi dây, để em bé nằm trong đó mà ru nó ngủ…

Khó khăn chưa biết gỡ cách nào

Nói công bằng, tất cả các vở kịch của Hoàng Thái Thanh đều nằm trong ngưỡng tử tế và an toàn. Thế nhưng, vé bán của sân khấu này lại không mấy khả quan. Có thể do quận 10 là nơi nhiều người Hoa sinh sống, họ không mê kịch, mà khán giả nơi khác đến thì đường khá xa, họ ngại đi đêm. Có người lại đặt vấn đề nên làm vở trẻ hơn, hiện đại hơn để chinh phục khán giả trẻ. Ái Như trả lời: “Chúng tôi đã từng làm rồi, đã thử hết các thể loại từ hài tới cổ trang, nhưng vẫn không khả quan”. Quả thật Oan tình ai thấu là một vở hài rất duyên dáng, Tái sinh là vở cổ trang huyền ảo mà thâm thúy. Vậy tại sao kết quả vẫn là… bù lỗ?
Đạo diễn Ái Như tâm sự: “Thật ra khán giả trẻ vẫn thích xem kịch của chúng tôi, bằng chứng là các suất diễn hợp đồng với nhà trường các em ngồi kín rạp, khóc tưng bừng, vỗ tay tưng bừng, và còn viết cảm nhận rất hay nữa. Chúng tôi đang tồn tại nhờ lực lượng khán giả này. Tôi nghĩ mình sẽ không thay đổi sở trường, vì lớp trẻ cũng cần xem bi kịch. Chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt công tác ngoại giao, tiếp thị. Hy vọng các trường học và phụ huynh ủng hộ chúng tôi, coi như cho các em học ngoại khóa một cách dễ chịu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.