Muốn một Phú Quốc 'phi thường', phải có cơ chế 'phi thường'

12/12/2023 06:34 GMT+7

Đó là nhận định của PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, khi nói về tầm nhìn chiến lược dài hạn giúp đảo ngọc trở thành "viên ngọc quý" của cả thế giới; từ đó đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Đình Thiên (ảnh) về vấn đề này.

Muốn một Phú Quốc 'phi thường', phải có cơ chế 'phi thường' - Ảnh 1.

PGS-TS Trần Đình Thiên

NHẬT THỊNH

-Thời gian qua, đảo ngọc Phú Quốc liên tục được các trang tin du lịch uy tín thế giới định vị là điểm đến sang trọng của VN và khu vực, ông đánh giá thế nào về hành trình Phú Quốc trở thành gương mặt thương hiệu của du lịch cao cấp tại VN?

*Nhìn lại 20 năm đến nay, đặc biệt là giai đoạn 10 năm vừa qua, Phú Quốc đã thật sự lột xác, thay da đổi thịt một cách kỳ diệu. Đó là nhờ đảo ngọc hội tụ đủ 2 nhóm động lực để vượt lên.

Đầu tiên là tầm nhìn. Nhà nước đã "tặng" cho Phú Quốc một thể chế, trao cho Phú Quốc một tầm nhìn và định hướng phát triển Phú Quốc xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh. Cụ thể, Phú Quốc được quy hoạch trở thành đặc khu hành chính, một thể chế đặc biệt, khác hẳn tất cả nơi khác để có thể tiến vượt lên. Rất tiếc, vì những lý do cả khách quan và chủ quan mà tầm nhìn ấy chưa được thực hiện. Tuy nhiên, đây là xu thế không thể đảo ngược.

Chỉ sau đó 2 - 3 năm, Phú Quốc đã được công nhận là đô thị biển đảo đầu tiên của VN. Thời điểm đó, đây là huyện đảo đầu tiên của VN kết nối với thế giới bằng sân bay quốc tế, liên tục mở rộng mạng bay tới nhiều quốc gia. Đường cáp điện cũng được kéo ra đảo.

Song, tầm nhìn thôi thì chưa đủ. Để hiện thực hóa tầm nhìn, phải có nguồn lực. Phú Quốc vốn có lợi thế là đẹp, rất đẹp. Trên cơ sở những lợi thế tôi vừa nói, nhiều nhà đầu tư du lịch, bất động sản hàng đầu VN đã hội tụ về đây, góp phần hình thành nên chân dung Nam đảo, Bắc đảo đẹp tuyệt trần, vượt xa nhiều trung tâm du lịch đi trước. Đây là nguồn động lực giúp Phú Quốc đạt đến tầm đẳng cấp hàng đầu thế giới.

Theo dõi những bảng xếp hạng mà Phú Quốc vừa được xướng tên, có thể thấy chưa nơi nào trên thế giới có tần suất đạt được những danh hiệu cao nhất nhiều như Phú Quốc, lại toàn những danh hiệu uy tín tầm quốc tế. Có nghĩa là, Phú Quốc đã bước vào thế muốn hạ thấp cũng không được, chỉ có cách tiến lên, đẳng cấp hơn.

-Tuy nhiên, du lịch Phú Quốc giai đoạn vừa qua tăng trưởng chậm, ghi nhận nhiều hình ảnh tiêu cực như tình trạng kinh doanh chụp giật, chặt chém. Có vẻ như Phú Quốc vẫn loay hoay phát triển chưa xứng với tiềm năng và kỳ vọng?

Muốn một Phú Quốc 'phi thường', phải có cơ chế 'phi thường' - Ảnh 2.

Khu Địa Trung Hải (Phú Quốc)

Độc Lập

*Phải nói công bằng, ảnh hưởng của Covid-19 đã làm Phú Quốc mất đà, phát triển chậm lại. Đáng lẽ Phú Quốc phải là cơ hội đầu tiên để kéo kinh tế VN phục hồi, nhưng Phú Quốc lại không làm được. Tại sao tôi nói là cơ hội đầu tiên? Phú Quốc là hòn đảo tách biệt, hoàn toàn có thể kiểm soát được dịch bệnh. Ở đó có những cơ sở lưu trú với hạ tầng vệ sinh an toàn vào hạng bậc nhất. Thứ nữa là Phú Quốc vẫn đẹp, vẫn trong lành để du khách tận hưởng giữa một thế giới đầy rủi ro. Ở thời điểm cả thế giới đang chống chọi với dịch bệnh thì một điểm đến đẹp, an toàn như Phú Quốc là nhất.

Đáng lẽ chúng ta phải tận dụng cái đó để trao cho Phú Quốc quyền mời thế giới, mời những "ông" hạng nhất tới, lấp đầy Phú Quốc bằng những chế độ visa riêng, bằng những đường bay thẳng kết nối riêng... Song chúng ta đã bỏ qua, không làm. Mãi sau này mới trao cho Phú Quốc cơ chế visa nhưng khi trao rồi thì không phải đường bay nào cũng kết nối tới đây. Muốn đến thì phải bay tới TP.HCM, bay tới Hà Nội. Khi đó, những chế độ visa riêng không còn ý nghĩa.

Tóm lại, bộ máy xử lý không đủ linh hoạt, chủ trương chớp thời cơ không được cụ thể hóa.

Sau đó, đáng ra phải tranh thủ tiếp những cơ chế, phối hợp du lịch và hàng không, du lịch với y tế để tạo nên một tọa độ đầy đủ điều kiện, dịch vụ cung ứng cho khách nhưng cũng làm không được. Vé máy bay quá cao tác động đến hành vi du lịch của khách nội địa. Khách đến ít, sinh ra chụp giật. Trong khi định hình ở đẳng cấp cao đòi hỏi Phú Quốc phải có văn hóa ở đẳng cấp cao, môi trường du lịch cực kỳ trong sạch.

"Sự cố" này đã cho Phú Quốc bài học cả về ngắn hạn và dài hạn. Nếu chính quyền chỉ thích dễ; hệ sinh thái du lịch cũng chỉ chọn cái dễ; chính sách visa, thị thực cũng thích làm sao dễ quản… thì cuối cùng tất cả sẽ thỏa hiệp, kéo tụt Phú Quốc xuống.

Đồng thời, Phú Quốc gặp "sự cố", "tai nạn" như vậy, phần lớn do phát triển chưa thật sự đồng bộ.

-Vậy theo ông, Phú Quốc cần những gì để xứng tầm là điểm đến sang trọng của VN?

*Hiện nay Phú Quốc vẫn chỉ là đô thị cấp huyện, phụ thuộc và quyền lực có hạn. Chính quyền theo nghĩa đó cũng chưa có không gian để tự chủ, để đáp ứng những yêu cầu cho một đô thị đẳng cấp quốc tế. Tôi nói ví dụ, Phú Quốc tới đây tiến lên du lịch đẳng cấp cao, đón tiếp những giới tài phiệt trên thế giới có khi cần một sân bay trực thăng để đón họ đến bất ngờ, có khi chỉ nghỉ 2 - 3 giờ, tiêu tiền rồi bay đi. Chính quyền Phú Quốc phải có quyền để đảm bảo luôn sẵn sàng đón được những vị khách đòi hỏi những dịch vụ đặc biệt.

Ngay từ đầu, Phú Quốc đã được định hình thành đặc khu hành chính kinh tế, nghĩa là một cấu trúc đặc biệt của quốc gia, thuộc Chính phủ, cấp Trung ương. Như vậy, Phú Quốc sẽ có một không gian, thể chế thật sự cởi mở để phát triển. Phú Quốc muốn phát huy hết được tiềm năng, lợi thế của mình, muốn chuyển hóa được những lợi thế "ghê gớm", hiếm có thành sức mạnh, thành ưu thế không nơi nào có thì cần có thể chế khác thường. Tôi đề nghị cần đưa Phú Quốc trở thành đô thị trực thuộc T.Ư không thể chỉ là đô thị cấp 1 trực thuộc tỉnh, vì như thế vẫn chưa đến tầm. Điều này không làm cho Kiên Giang thiệt hại đi chút nào mà thậm chí còn trở thành động lực kéo Kiên Giang bùng nổ hơn nữa. Nếu có điều kiện, phải giải quyết thống nhất được vấn đề, cởi mở với nhau quan điểm: Phú Quốc trở thành đô thị độc lập trực thuộc T.Ư thì lợi ích phát triển cho Kiên Giang và cho vùng Nam bộ lớn hơn rất nhiều.

Trường hợp chưa thể trở thành đặc khu, Phú Quốc nên được trao quyền thử nghiệm những thể chế vượt trội, những cơ chế vượt trước để bảo đảm rằng thể chế của Phú Quốc ngang tầm với những địa chỉ đô thị du lịch biển sáng tạo hàng đầu thế giới. Phú Quốc đi sau, muốn vượt lên cạnh tranh thì phải có thể chế ngang, thậm chí vượt lên với họ. Phải được tạo điều kiện phát triển những dự án chưa nơi nào có hoặc những dự án ở đẳng cấp cao nhất. Phải mở điều kiện ra để hút các doanh nghiệp có những sáng kiến khác thường, có những dự án đẳng cấp đúng quy hoạch. Cần cơ chế để lựa chọn được những nhà đầu tư có tầm nhìn, có tiềm lực, có sáng tạo, hình thành nên một Phú Quốc "phi thường". Những ý tưởng "phi thường" mà phải đi qua những quy chế thông thường thì chắc chắn "chết yểu".

Phải xác định hướng Phú Quốc tới cạnh tranh với những nơi sang trọng nhất thế giới, để Phú Quốc trở thành điểm tỏa sáng, đưa giá trị VN rực rỡ trên thế giới. 

Đừng cản trở không gian phát triển của Phú Quốc. Những điều này đã nằm trong tầm nhìn mà chúng ta đã xác định cho Phú Quốc, không phải cái gì mới mẻ, "ghê gớm" lắm. Những gì đã định làm cho Phú Quốc thì giờ làm cho nó tối đa. Tôi tin rằng cách tiếp cận quy hoạch sắp tới của Phú Quốc sẽ vẫn theo mạch đã làm cho Phú Quốc phát triển thần kỳ, tiếp tục phát triển thần kỳ hơn nữa.

PGS-TS Trần Đình Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.