Muôn nẻo đường hiếm muộn

22/01/2016 05:06 GMT+7

Kết hôn được vài năm, vợ chồng dắt nhau tới Bệnh viện Từ Dũ. Nhưng không phải vào khoa sản, mà đích đến là khoa hiếm muộn. Đó là chuyện không hiếm hiện nay.

Kết hôn được vài năm, vợ chồng dắt nhau tới Bệnh viện Từ Dũ. Nhưng không phải vào khoa sản, mà đích đến là khoa hiếm muộn. Đó là chuyện không hiếm hiện nay.

Muôn nẻo đường hiếm muộnẢnh: Shutterstock
Nhiều cặp vợ chồng trẻ ở với nhau vài năm không kiêng cữ gì mà chưa có được mụn con. Người ta “đồn” là do làm việc căng thẳng khiến tinh trùng chết hay do dùng biện pháp tránh thai nhiều đâm ra “điếc” luôn. Có người lại bảo do ăn uống không điều độ, do nhậu nhiều. Lên mạng tìm hiểu thì “bác sĩ Google” trả lời đủ lý do, không biết đâu mà lần. Có người đi tìm thầy lang, uống thuốc nam thuốc bắc; có người đi tìm thầy cúng, làm phép làm bùa, nghe ai bảo đâu chạy đó.
Chạy quanh một hồi không kết quả, cuối cùng tìm đến bệnh viện cầu cứu bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn.
Bác sĩ bảo rằng...
Hiếm muộn do đâu ?
Về chuyện “cuộc sống căng thẳng quá là nguyên nhân dễ bị vô sinh”, bác sĩ Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM - cho biết, đúng là công việc căng thẳng có thể gây stress làm rối loạn hoạt động buồng trứng. Ngoài ra, có thể stress, mệt mỏi cũng làm giảm tần suất quan hệ vợ chồng và làm giảm khả năng có thai. Hóa ra lời đồn của “giang hồ” cũng có phần đúng.
Vậy còn chuyện sau nhiều năm áp dụng biện pháp tránh thai, giờ “xả cửa” thì chức năng sinh sản bị “điếc” luôn, liệu có đúng? Theo bác sĩ Mạnh Tường, chưa có đủ bằng chứng khoa học cho thấy sử dụng biện pháp tránh thai lâu ngày trực tiếp gây hiếm muộn. Tuy nhiên, có thể có các yếu tố gián tiếp sau: Tránh thai lâu năm, khi muốn có thai thì người phụ nữ đã lớn tuổi, khả năng có thai giảm tự nhiên. Tránh thai bằng cách đặt vòng (dụng cụ tử cung) có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng đường sinh sản và dẫn đến hiếm muộn. Hút nạo thai ngoài ý muốn làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, tổn thương đường sinh sản, có thể gây hiếm muộn.
Hiện nay, chưa có báo cáo số liệu chính thức nào cho thấy ngày càng có nhiều cặp vợ chồng trẻ đến khám hiếm muộn. Tuy nhiên, nhu cầu khám, điều trị hiếm muộn nói chung tăng có thể do các yếu tố sau: Phụ nữ muốn có con khi ở độ tuổi trễ hơn (sau 30 tuổi), khi mà khả năng sinh sản tự nhiên suy giảm. Nguyên nhân này ngày càng tăng. Môi trường sống ô nhiễm, công việc căng thẳng có thể góp phần làm giảm khả năng có thai. Các bệnh lý y khoa ở phụ nữ có thể gây hiếm muộn cũng gia tăng: nhiễm trùng phụ khoa, rối loạn hoạt động buồng trứng, lạc nội mạc tử cung...
Chữa trị thế nào ?
Theo bác sĩ Mạnh Tường, khi người bị hiếm muộn đến khám tại chuyên khoa, tùy nguyên nhân mà bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp. Mỗi phương pháp có độ phức tạp khác nhau, chi phí do đó cũng khác nhau. Tuy nhiên, đa số các biện pháp điều trị hiếm muộn đều cần thời gian khám và điều trị kéo dài với chi phí cao.
Lời khuyên của bác sĩ là phụ nữ nên tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản để phòng tránh, ngoài ra nên có con trước 30 tuổi thì ít bị nguy cơ hiếm muộn hơn.
Một số phương pháp phổ biến trong điều trị hiếm muộn hiện nay là thụ tinh nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng vào tử cung (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Phương pháp IUI thường dùng cho các trường hợp nhẹ, tuổi trẻ. IUI là phương pháp thụ tinh nhân tạo đơn giản, dễ thực hiện, ít tốn kém được sử dụng rộng rãi trong hỗ trợ sinh sản. Trong phương pháp IUI, tinh trùng đã được lọc rửa để đạt được chất lượng tốt nhất, cô đặc trong một thể tích nhỏ, được bơm trực tiếp vào buồng tử cung nhằm giảm đi các ảnh hưởng có hại lên tinh trùng như pH acid của âm đạo, các bất thường tại cổ tử cung... Tinh trùng có thể là của người chồng hay của người cho. Người vợ có thể được theo dõi noãn trong chu kỳ tự nhiên hoặc được kích thích buồng trứng và gây phóng noãn. Tỷ lệ thành công khoảng 15%.
Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) dành cho những trường hợp nặng, lớn tuổi hoặc đã thất bại nhiều lần với IUI. Tỷ lệ thành công nói chung khoảng 30 - 40%. Phương pháp này phức tạp và tốn kém hơn IUI. Chỉ định IVF thường gặp đối với các trường hợp tắc vòi trứng, tinh trùng yếu nặng, thất bại với nhiều lần thụ tinh nhân tạo (IUI), người vợ trên 38 tuổi, do nhiều nguyên nhân kết hợp.
Theo bác sĩ Mạnh Tường, một trường hợp làm thụ tinh trong ống nghiệm trung bình có được 4 - 6 phôi có thể sử dụng. Số phôi này có thể chia làm 2 và cấy vào tử cung 2 đợt. Mỗi đợt cấy phôi vào tử cung, khả năng có thai nói chung khoảng 30 - 35%. Như vậy, nếu cấy phôi 2 lần, khả năng có thai sau khi sử dụng hết phôi số phôi có thể khoảng 50%. Trường hợp trẻ tuổi, tỷ lệ thành công cao hơn. Trường hợp lớn tuổi, khó, khả năng thành công sẽ thấp hơn.
Lời khuyên phổ biến của bác sĩ là: để tăng cơ hội sinh sản, vợ chồng cần duy trì một lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, tập thể dục vừa sức, tránh xa rượu bia, thuốc lá, tránh căng thẳng trong công việc và cuộc sống. Một khi sinh hoạt tình dục đều đặn mà sau nhiều tháng vẫn không đậu thai thì nên đến bác sĩ chuyên khoa khám, tránh tự tìm hiểu và “tự kê đơn” cho mình, bởi để càng lâu thì chữa trị càng khó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.