Ở Việt Nam, văn hóa xăm mình vẫn chưa thật sự được mọi người nhìn một cách thiện cảm nên số tiệm kinh doanh dịch vụ xăm mình có đăng ký kinh doanh, hoạt động công khai vẫn chưa được nhiều. Nhưng mặt khác, loại hình dịch vụ đặc thù này cũng đang mang lại nhiều tiền bạc và cả danh tiếng cho những ai biết sử dụng cây kim để vẽ trên da người. Điều này khiến thị trường xăm mình chuyên nghiệp đang có tiềm năng phát triển nhanh và mạnh, nhất là khi giới trẻ đang biến xăm mình thành trào lưu.
Từ xăm công khai...
Dịch vụ xăm mình tại Sài Gòn hiện nay chia làm 2 loại: các tiệm xăm công khai (tức có đăng ký với cơ quan chức năng) và những chỗ xăm “chui” (tức những chỗ xăm không đăng ký, xăm tại nhà, xăm dạo…). Trong giới xăm công khai, hiện nay có 3 cái tên gần như đang “thống trị” thị trường xăm mình của Sài Gòn là Dũng Tattoo (công ty Nhất Dũng), Sài Gòn Ink Tattoo và Sài Gòn Tattoo. Những tiệm này rất chịu khó PR thương hiệu qua mạng. Tiệm nào cũng có trang web riêng và đăng quảng cáo trên khắp các trang rao vặt trực tuyến.
Theo quảng cáo, những thợ xăm làm việc trong các tiệm xăm công khai hầu hết đều đã từng học qua các ngành mỹ thuật, hội họa tại các trường đại học uy tín, được tu nghiệp ở nước ngoài (thường là ở Thái Lan, Singapore, Mỹ). Độ tin cậy của các thông tin quảng cáo này đến đâu, chả thấy khách hàng nào hỏi. Các tiệm xăm công khai gọi dịch vụ xăm của họ là “xăm nghệ thuật”, và thợ xăm tự gọi mình là “artist” (nghệ sĩ).
Thành phần khách đến xăm tại các tiệm xăm công khai khá “chọn lọc”. Phần đông là dân văn phòng, nghệ sĩ, các loại “hot boy, hot girl” muốn có hình xăm để lấy “điểm phong cách”. Họ chọn những điểm này vì kỹ thuật xăm tốt, địa điểm lịch sự và được quảng cáo là an toàn về mặt y tế. Nhiều chủ tiệm như Dũng Tattoo khi đăng ở quảng cáo trên mạng còn công khai tuyên bố rằng “không xăm cho giới giang hồ, các bác thông cảm”. Khách đến xăm tại các tiệm công khai phải đưa chứng minh nhân dân để chứng minh mình trên 18 tuổi. Sau đó, phải ký vào bản cam kết chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước khi được nhân viên tư vấn của tiệm hướng dẫn chọn hình xăm phù hợp.
... đến xăm chui
Với giới xăm “chui”, mọi chuyện đơn giản hơn nhiều. Khách cứ đưa tiền là xăm, không hỏi lằng nhằng rách việc. Gọi là xăm “chui” vì họ hành nghề không đăng ký, không cơ sở, khách tìm đến đều do được bạn bè rỉ tai giới thiệu. Thành phần khách hàng hỗn tạp, giới nào cũng có.
Trong thị trường xăm mình tồn tại song song hai cuộc cạnh tranh, xăm chui cạnh tranh với xăm công khai và các tiệm xăm công khai cạnh tranh với nhau
|
|
Giới xăm “chui” lại chia ra làm 2 loại khác nhau. Một loại thợ xăm bản thân là dân giang hồ, được cái khéo tay. Loại xăm “chui” này không phổ biến. Vì thợ xăm giang hồ thì khách xăm cũng chỉ thường là dân chơi giang hồ tìm đến, người bình thường có muốn tới xăm cũng không biết đường nào mà tìm. Vài người trong giới cho biết, xăm mình cho giới anh chị giang hồ đòi hỏi phải có luật lệ. “Vô danh tiểu tốt” muốn khoe mẽ muốn xăm hình “kinh dị” cỡ nào cũng được, nhưng đừng đụng vào hình rồng, hổ và đặc biệt là hình đại bàng, kẻo bị ăn đòn oan. Vì đây là những hình xăm chỉ những “đại ca” có “số má” được giang hồ công nhận mới được xăm để thể hiện vị thế của mình. Người bình thường tốt nhất đừng thử đến xăm ở những chỗ này. Vì ngoài chuyện điều kiện vệ sinh hầu như không có và thiết bị hành nghề thủ công, nhếch nhác thì những chỗ xăm kiểu này thường cũng đồng thời là các ổ tệ nạn. Cả thợ và khách thường có thói quen dùng ma túy trước khi tiến hành xăm để “lấy cảm hứng”.
Loại thứ 2 trong giới xăm “chui” là những thợ xăm bình thường như những người làm việc tại các tiệm xăm công khai. Chỉ có điều họ không có điều kiện mở tiệm xăm hoặc không thích mở tiệm xăm nên chọn cách hành nghề không giấy phép. Họ thường đăng quảng cáo trên mạng kèm số điện thoại, ai có nhu cầu liên hệ họ sẽ đến tận nhà xăm.
Cạnh tranh khốc liệt
Thị trường xăm mình ở TP.HCM hiện nay vẫn còn khá nhỏ nhưng đã bắt đầu có sự cạnh tranh gay gắt. Vì ngành dịch vụ này cho thấy rất có tiềm năng “hái ra tiền” trong tương lai, một khi giới trẻ thổi bùng lên thành trào lưu và xã hội không còn quá khắt khe với văn hóa xăm mình. Hiện tại, những tiệm xăm có tên tuổi như Dũng Tattoo mỗi ngày tiếp trung bình 10 khách hàng, cao điểm có thể lên gần 20 khách/ngày. Mà giá hình xăm bé và đơn giản nhất tại tiệm, như một ngôi sao diện tích bằng đồng xu mệnh giá 5.000 đồng cũng đã lên đến hơn 200.000 đồng. Từ đó suy ra doanh thu mỗi tháng của một tiệm như Dũng Tattoo, Sài Gòn Ink… có thể lên đến con số trăm triệu.
Ngành nào kiếm ra tiền, ngành đó có cạnh tranh. Trong giới xăm mình đang tồn tại song song hai cuộc cạnh tranh. Giới xăm mình “chui” cạnh tranh với các tiệm xăm công khai. Và các tiệm xăm công khai cũng cạnh tranh với nhau. Giới xăm “chui” dùng yếu tố giá cả để cạnh tranh với những tiệm công khai. Do không phải trả những khoản thuê mặt bằng, thuế, điện nước, lương…nên giới xăm chui, xăm dạo có thể lấy giá chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 giá thành của các tiệm xăm công khai có đăng ký. Người viết bài này thử đem một mẫu xăm hình rồng cách điệu hỏi, tại tiệm Sài Gòn Ink tính giá 1 triệu đồng, tay xăm dạo tên Cương nhận xăm với giá 300.000 đồng.
Trước đây dân xăm “chui” thường “lép vế” trước các tiệm xăm công khai do dùng đồ nghề thủ công, vệ sinh không đảm bảo. Nhưng bây giờ họ cũng trang bị dụng cụ giống như các tiệm xăm công khai, vì thực ra tiền đầu tư vào các khoản này không lớn. Họ cũng dùng máy xăm (giá khoảng 1,5 triệu/cái), kim xăm dùng 1 lần, mực xăm hiệu Eternal hay Dynamic được quảng cáo nhập từ Mỹ (với giá khoảng 1,6 triệu đồng/bình). Với dụng cụ tương đương, độ an toàn tương đương, nếu chất lượng hình xăm cũng tương đương mà giá cả lại rẻ hơn, những người xăm “chui” thực tế đang lấy mất khá nhiều khách hàng của những tiệm xăm công khai.
Không thể hạ giá để cạnh tranh với đám thợ xăm dạo, các tiệm xăm công khai cạnh tranh bằng việc nâng cao chất lượng nghệ thuật và công nghệ PR thương hiệu. Đây đồng thời cũng là cách mà các tiệm xăm công khai cạnh tranh với nhau. “Điều quan trọng nhất trong nghề này là chất lượng nghệ thuật. Chỉ cần một lần xăm không đẹp, khách sẽ rỉ tai nhau, các tiệm xăm khác sẽ biết ngay rồi dùng nhiều cách để lấy mất khách của mình” – Dũng Tattoo tâm sự.
Là một ngành dịch vụ đặc biệt và hiện còn nhiều nhạy cảm, chuyện cạnh tranh giữa những tiệm xăm cũng ngày càng nảy sinh ra nhiều điều phức tạp. “Cạnh tranh bằng bạo lực thì chưa thấy. Nhưng chuyện các tiệm xăm công khai bị giới xăm chui gọi điện chửi bới, sỉ nhục thì gần như tiệm nào cũng gặp rồi” – Dũng Tattoo cho biết. Dũng kể có lần anh đưa hình tấm bằng tốt nghiệp nghệ thuật xăm mình của anh lấy tại Singapore lên trang web để quảng cáo cho tiệm. Ngay hôm sau có người liên tục gọi điện đến chửi bới, đe dọa… rằng anh “chảnh”, “ra vẻ”… đến khi anh gỡ hình tấm bằng xuống mới thôi.
Nghệ sĩ và hình xăm The Men Ưng hoàng phúc Ca sĩ Nghi Văn Lý do sở hữu hình xăm của Nghi Văn khá “thẩm mỹ”, đó là để che sẹo. Nghi Văn cho biết, cô có một hình xăm trên vai phải, và một trên mu bàn chân trái. Ngày trước, ở hai chỗ này là hai vết sẹo " không được đẹp cho lắm”, nên Văn lên mạng tìm vài hình xăm thật phù hợp để che chúng đi. Và cuối cùng, như mọi người đã thấy, Nghi Văn đã có một nàng tiên Tinkerbell thật xinh xắn xuất hiện trên cánh tay phải và một chiếc lông công thật duyên dáng thế chỗ cho “cái sẹo” đáng ghét ở mu bàn chân trái. Lê Vân (ghi) |
Kiều Phong
Bình luận (0)