"Lơ tơ mơ" về AI
Lê Thị Mai Xuân (26 tuổi), làm việc tại một ngân hàng trên đường Thoại Ngọc Hầu, Q.Tân Phú, TP.HCM, kể thường nghe mọi người nói rất nhiều về AI, cho rằng sắp bước vào giai đoạn "làm việc cùng AI", "sống cùng AI" nên bản thân cũng muốn biết AI là gì, sử dụng ra sao. Nhưng Mai Xuân thừa nhận: "Mình giống như tờ giấy trắng, chẳng biết gì về AI cả. Mình muốn tìm hiểu, nhưng lại không rõ phải bắt đầu từ đâu?".
Nhiều người trẻ giống như Xuân, khi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, câu chuyện về AI được bàn tán nhiều, cũng như thực tế AI đã và đang tác động đáng kể đến cuộc sống, nhưng không phải người trẻ nào cũng biết về AI.
Đặng Anh Vỹ, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết đã từng đọc những nhận định cho rằng nếu có kỹ năng sử dụng AI sẽ dễ thành công hơn trong cuộc sống. "Tuy nhiên, phải thừa nhận là mình còn mù mờ về AI và rất muốn trang bị kỹ năng sử dụng AI", Vỹ bày tỏ.
Cô giáo Chu Thị Minh Thùy, giáo viên Trường tiểu học thị trấn Yên Cát (H.Như Xuân, Thanh Hóa), chia sẻ: "Tôi cũng hy vọng được ứng dụng AI vào việc giảng dạy nói riêng và cuộc sống nói chung, nhưng chẳng rõ là muốn sử dụng AI thì cần làm gì?".
Có một con số khá thú vị khi PV Thanh Niên thử khảo sát những người trẻ, từ học sinh, sinh viên cho đến người đã đi làm, chủ doanh nghiệp. Tất cả ý kiến đều nói họ đã đọc, nghe những thông tin như thời gian tới sẽ là "kỷ nguyên AI", AI sẽ "phủ sóng" và hiện diện trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, cũng như sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm lương cao… Thế nhưng đại đa số ý kiến thừa nhận đang còn "lơ tơ mơ" về việc hiểu rõ cũng như kỹ năng sử dụng AI. Vì thế, họ rất cần sự trợ giúp, hướng dẫn.
Bắt đầu từ đâu ?
Anh Hồ Phạm Minh Nhật, giáo sư bậc 1 của ĐH Texas - Austin, Mỹ, chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về khoa học dữ liệu, học máy, thống kê và AI, chia sẻ rằng ngày nay người trẻ có nhiều cách để tiếp cận AI một cách hiệu quả.
Chẳng hạn như hiện nay có rất nhiều khóa học trực tuyến về AI từ các nền tảng như: Coursera, Udemy, Khan Academy… Những khóa học này thường không yêu cầu kiến thức nền tảng về lập trình. Ngoài ra, các khóa học cũng cung cấp kiến thức từ cơ bản đến nâng cao. Nhờ đó, người trẻ có thể hiểu những khái niệm cơ bản về AI và những ứng dụng mà AI có thể mang lại.
Không những thế, theo anh Nhật, đã và đang có rất nhiều diễn đàn, trường đại học, công ty… tổ chức hội thảo cả trực tiếp lẫn trực tuyến miễn phí về AI mà người trẻ có thể tham gia để hiểu tổng quan về AI và có cơ hội mở mang kiến thức.
Đồng thời, các website như Kaggle thường cung cấp các bài tập và dự án nhỏ liên quan đến AI. Tham gia vào các bài tập và dự án nhỏ này cũng giúp người trẻ thực hành, hiểu rõ hơn về cách AI đã và đang được sử dụng trong thực tế.
"Ngoài ra, có thể học các ngôn ngữ lập trình cơ bản, chẳng hạn như Python, ngôn ngữ phổ biến nhất hiện tại trong lĩnh vực AI. Từ đó làm quen với việc lập trình và viết các chương trình AI đơn giản", anh Nhật chia sẻ thêm.
Tiến sĩ Ngô Di Lân, tác giả của hai cuốn sách Canh bạc AI và 1% mỗi ngày, cho rằng khi bắt đầu tìm hiểu về AI, nên bắt đầu bằng cách tìm hiểu các khái niệm cơ bản và ứng dụng thực tế của AI trong cuộc sống hằng ngày. Theo đó, hãy bắt đầu bằng cách sử dụng các công cụ AI phổ biến như Chatbot, trợ lý ảo và các ứng dụng đề xuất. Cũng có thể đọc về cách các công ty và ngành công nghiệp đang áp dụng AI. Hoặc nên tham gia các khóa học trực tuyến, hội thảo, hội nghị về AI để học hỏi từ các chuyên gia.
"Đối với bản thân, tôi đã bắt đầu bằng cách đọc rộng rãi, thử nghiệm với các công cụ AI và trò chuyện với những người đi đầu trong lĩnh vực này", tiến sĩ Ngô Di Lân cho hay.
Để dễ hình dung hơn, tiến sĩ Lân đưa ra ví dụ về một gia đình gồm bố mẹ, con đã đi làm, con là sinh viên, con là học sinh. Và mỗi thành viên có thể tiếp cận AI theo những cách phù hợp với nhu cầu, sở thích của bản thân...
Bố mẹ có thể tìm hiểu về cách AI đang được sử dụng trong công việc và ngành của họ, bằng cách tham gia các khóa đào tạo do công ty tổ chức.
Người đã đi làm thì tập trung vào các kỹ năng sử dụng AI liên quan đến công việc. Có thể tìm kiếm các chứng chỉ, bằng cấp chuyên sâu về AI.
Sinh viên có thể tham gia các dự án, câu lạc bộ, khóa học về AI được tổ chức tại trường đại học, hoặc thử nghiệm với các dự án AI cá nhân.
Còn học sinh thử đăng ký vào các hoạt động ngoại khóa, trại hè, hội thảo khoa học liên quan đến STEM, AI. Học cách code (hành động mã hóa được sử dụng nhiều nhất trong lĩnh vực IT) và tạo các mô hình AI đơn giản…
Chị Nguyễn Thúy Hằng, chuyên viên chương trình VinAI Residency Program (thuộc Công ty cổ phần nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo VinAI, Tập đoàn Vingroup), hướng dẫn: "Để bắt đầu tìm hiểu về AI rất đơn giản, là tìm kiếm trên Google. Chẳng hạn tìm kiếm "các công cụ AI hữu ích" để biết thêm hoặc theo nhu cầu như: viết luận, tra cứu sách, lập kế hoạch… Ngoài ra, hoàn toàn có thể trau dồi kiến thức của bản thân về AI thông qua các video giới thiệu. Điều quan trọng là cần tìm nguồn nội dung chỉn chu, người chia sẻ uy tín để tìm hiểu".
Theo chị Hằng, một trong những công cụ AI nổi tiếng nhất và nhiều người biết đến là ChatGPT. Học sinh, sinh viên hoàn toàn có thể bắt đầu với ChatGPT để tham khảo viết các đoạn dài, chỉnh sửa luận. Hay có thể truy cập website poe.com để sử dụng những công cụ khác tương tự ChatGPT như: Claude, Assistant, Llama… Tại đây cũng có công cụ tạo ảnh theo yêu cầu như Dall-E, StableDiffusion, Playground…
"Để sử dụng AI trong cuộc sống, có thể tra cứu trên Copilot, Gemini. Nếu tạo các bài thuyết trình thì có thể sử dụng Tome AI. Nếu thích thiết kế hoặc tạo ảnh, có thể lên Canva xem tính năng AI của ứng dụng ấy...", chị Hằng chia sẻ thêm. (còn tiếp)
Bình luận (0)