TS Trần Hữu Sơn ( ảnh ), Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng, đã trả lời phỏng vấn của Thanh Niên quanh giải pháp để các tập tục tốt hơn.
Thực tế, có những tập tục rất hay nhưng khi thực hành lại có vấn đề. Phóng sinh cá thì người thả người bắt ở cách đó vài mét mang đi bán tiếp. Phóng sinh rùa lại phóng sinh rùa tai đỏ, phá hoại môi trường.
ẢNH: BÌNH NGUYỄN
Theo luật xưa, bắt lại cá phóng sinh như thế là sai luật. Họ cho rằng nếu làm thế sẽ bị tội. Nhưng giờ người ta không tin thế. Phóng sinh là tục có từ xưa, được thiết chế khi đó bảo vệ. Giờ tục vẫn còn nhưng thiết chế bảo vệ lại không còn thì nó buộc phải có chế tài khác. Tuy nhiên, chế tài mới lại chưa hình thành. Nhiều tục cũng sẽ bị như thế. Như đi hội chẳng hạn. Hội đánh phết ở làng xưa chỉ vài chục người trong làng. Họ cướp lấy may và không đánh nhau vì biết nhau cả. Còn bây giờ thì khác, lễ hội cả nước đổ xô đến xem, rồi nhảy ào đến cướp. Không còn sự giữ gìn như trong làng nữa thì thành cướp phá.
Đốt vàng mã, trước đây vài chục năm thì ít. Rồi càng ngày càng đốt nhiều. Đốt đến như ở đền bà Chúa Kho một năm 300 tỉ đồng thì là khó chấp nhận. Trước mang tính tâm niệm, nay mang tính khoe của, phô trương. Rồi mang cả chuyện kinh doanh, buôn bán nữa, nhiều gian hàng bán vàng mã ở đền còn ép khách mua hàng càng to càng tốt.
Thế thì theo ông nên như thế nào để tập tục phù hợp hơn?
Ta phải nhìn văn hóa động để tìm cách quản lý. Nhiều người cứ nói trở lại với ngày xưa. Trở lại thế nào được. Phải có khuôn khổ mới, chế tài mới. Và ngành văn hóa phải lập khuôn khổ đó. Trong đó, cần quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng. Khi tôi làm Giám đốc Sở VH-TT-DL Lào Cai, nếu có hiện tượng đốt vàng mã quá nhiều ở di tích, thì ông trưởng ban quản lý sẽ phải chịu trách nhiệm, thậm chí có thể mất chức.
Bình luận (0)