Tại buổi nói chuyện với chủ đề Hội nhập quốc tế, thạc sĩ Trần Tuấn Đạt, (từng học tại Thái Lan, Hàn Quốc và Mỹ, đã đặt chân đến hơn 29 quốc gia; từng là đại biểu thanh niên Việt Nam tham gia chuyến tàu Đông Nam Á và là một MC chuyên nghiệp) đã có những chia sẻ thú vị về những kỹ năng cần thiết trong thời buổi hội nhập quốc tế.
Bản thân chưa mạnh dạn
Lấy chủ đề hội nhập quốc tế này, người viết hỏi sinh viên: “Bạn đã chuẩn bị những gì và đã sẵn sàng?”. Nhiều sinh viên tôi hỏi đều tỏ vẻ hoang mang.
“Em luôn tập trung học ngoại ngữ thật tốt. Vì thời buổi hiện nay không giỏi ngoại ngữ thì rất dễ bị thất nghiệp, hơn nữa là muốn đi du lịch khắp đó đây cũng cần có ngoại ngữ. Ngoài việc học ngoại ngữ, em cũng chưa biết mình phải nên làm gì”, Nguyễn Ngọc Khánh Tiên, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, chia sẻ.
|
Còn Hoàng Thị Minh Nguyệt, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, thì bày tỏ: “Bản thân em nghĩ muốn hội nhập thì điều kiện tiên quyết phải có là ngoại ngữ. Nhưng việc học ngoại ngữ của em là một quá trình gian nan và phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Vì nói chung lười và cứ hôm nay hẹn ngày mai. Chớp mắt cái là sắp hết 4 năm đại học mà trình độ ngoại ngữ vẫn chưa đâu vào đâu”.
Mặc dù tự nhận mình là người biết nắm bắt được xu hướng, nhưng Nguyễn Thị Lan Phương, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, vẫn cho rằng bản thân còn đang mắc phải nhiều khuyết điểm và chưa khắc phục được.
“Sự dạn dĩ sẽ giúp mỗi người trẻ tự tin hơn và nắm bắt tốt nhiều cơ hội hơn. Dù em biết mình phải làm những gì để là người trẻ bắt kịp thời đại nhất, nhưng vì khuyết điểm quá lớn mà bản thân chưa khắc phục được nên cơ hội cứ dần vụt mất. Người trẻ phải thật sự mạnh dạn thì em nghĩ thành công mới đến nhanh nhất”,
Phải sống có kế hoạch
Tại buổi nói chuyện, anh Đạt hỏi: “Bao nhiêu bạn đã làm passport cho mình?”, chỉ lác đác vài cánh tay đưa lên. Anh Đạt cho rằng nếu các bạn chưa có passport thì chứng tỏ các bạn chưa chuẩn bị gì cho việc hội nhập. Trong khi mọi cơ hội trong thời đại bây giờ đến với các bạn chỉ bằng những cái chạm và lướt màn hình.
tin liên quan
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: 'Tôi từng chấp nhận giữ trẻ thuê miễn là có công việc'
Chính vì thế, điều quan trọng nhất là ngay từ bây giờ mỗi người trẻ phải chủ động nắm bắt mọi cơ hội. Và sự chủ động là điều quan trọng nhất của mỗi người trẻ. “Hãy luôn chủ động trong cuộc sống của mình và chủ động vô bờ bến. Chủ động nộp đơn cho bất kỳ chương trình nào mình muốn và đừng bao giờ sợ bị từ chối. Cơ hội do chính bản thân mình tạo ra chứ không bao giờ chờ đợi ai mang cơ hội đó đến với mình”, anh Đạt nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, anh Đạt cũng khuyên mỗi người trẻ hãy biết cầu tiến. Tức không bao giờ được hài lòng với bất cứ một kết quả nào trong cuộc sống. Bao nhiêu cũng không đủ và phải đặt tiếp ra những mục tiêu cao hơn để chúng ta chinh phục. Đặc biệt, phải xây dựng thương hiệu cá nhân để tạo sự khác biệt trong đám đông. Phải luôn khác biệt, sáng tạo, bức phá và đừng để bản thân bị lu mờ. Và 4 năm sinh viên phải là thời gian để các bạn định vị được bản thân trước khi ra trường.
Vậy định vị bản thân như thế nào? Về vấn đề này, anh Đạt chỉ ra: “Phải có kế hoạch và viết cam kết trên giấy tờ để cam kết với bản thân. Và nếu chúng ta sống mà không có mục tiêu rất là nguy hiểm. Vì lúc vấp ngã sẽ không có bất cứ thứ gì kéo bạn đứng dậy được. Chính vì thế phải có mục tiêu và kế hoạch cam kết thực hiện mục tiêu đó. Hãy thật sự nghiêm túc với bản thân và không được dễ dãi với chính mình. Sự dễ dãi trong một việc nhỏ cũng sẽ lây lan và ảnh hưởng đến tương lai của chúng ta. Có kế hoạch và cam kết thực hiện là bí quyết để mỗi chúng ta thành công”.
Anh Đạt còn cho rằng, nếu muốn làm được một kế hoạch cho bản thân thì phải đặt được 3 câu hỏi, là tôi đang ở đâu? Tôi muốn đi đến đâu? Và làm thế nào để đến đích?
Theo anh Đạt, các bạn trẻ cứ hay than bận nhưng chưa bao giờ nhìn lại thời gian biểu của mình trong 24 giờ mà sắp xếp cho có kế hoạch.
“Kể từ hôm nay, hãy tập cho mình thói quen, ngủ dậy và phải biết ngày hôm nay mình đi đâu, làm gì. Tất cả đều có trong kế hoạch chứ không được tùy tiện hay dễ dãi. Nếu làm được như vậy, sau khi ra trường sẽ có kỹ năng quản lý thời gian. Mà đây lại là một kỹ năng mà các nhà tuyển dụng rất cần”, anh Đạt nhấn mạnh.
Bình luận (0)