Muốn thu hút sinh viên học toán, phải trả lời được câu hỏi: học để làm gì?

25/09/2020 20:33 GMT+7

GS Ngô Bảo Châu chia sẻ lo ngại sự thiếu hụt trầm trọng đầu vào của ngành toán; còn GS Vũ Hà Văn thì cho rằng, để thu hút sinh viên học toán, phải trả lời câu hỏi : học toán để làm gì?

Hiểm họa thiếu hụt nghiêm trọng đầu vào

Chiều nay, 25.9, tại Viện Toán học Việt Nam đã diễn ra cuộc tọa đàm trao đổi về đào tạo và nghiên cứu toán học tại Việt Nam. GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn và nhiều nhà toán học hàng đầu Việt Nam đã tham gia cuộc tọa đàm.
Một trong những nội dung được các giáo sư toán đề cập là mối lo sụt giảm nhân lực ngành toán, đặc biệt là trong bối cảnh các đơn vị đào tạo và nghiên cứu toán học trong nước đang muốn thúc đẩy phát triển toán ứng dụng nhưng thiếu cả thầy lẫn trò.
Theo GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (Viasm), ngoài hỗ trợ, phát triển các nhóm nghiên cứu toán, Viasm rất quan tâm góp phần thúc đẩy phong trào học toán ở phổ thông và ở đại học. Đây là một nhiệm vụ nặng nề khi mà một trong những hiểm họa vô cùng lớn mà ngành toán Việt Nam đang phải đối mặt là sự thiếu hụt nghiêm trọng đầu vào, đặc biệt là với khoa toán các trường đại học ở các địa phương. Sự quan tâm của người học đối với ngành toán suy giảm.
“Cái này cần chúng ta phải suy nghĩ để nhanh chóng có kế hoạch, hoặc có cách nào đó để lập lại phong trào học toán với học sinh THCS và THPT. Tôi có 2 suy nghĩ, một là dấy lại phong trào thi toán quốc tế, coi nó như lá cờ để phất lên, để thúc đẩy phong trào học toán. Hai là xem lại việc dạy và hướng dẫn học sinh từ cấp THCS mảng toán ứng dụng. Đây là 2 mảng nội dung khác nhau, nhưng bổ trợ cho về lâu dài”, GS Ngô Bảo Châu nói.
GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (BigData) của Tập đoàn Vingruop, cũng đồng tình, cho rằng nhìn vào kết quả đào tạo tại các trường đại học trong nước hiện nay thì thấy có hiện trạng sinh viên Việt Nam không thích học toán. Cũng có một số em thích học và học giỏi toán thì không học đại học trong nước mà lại ra nước ngoài học.
GS Văn chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của tôi, để giải quyết được vấn đề này, chúng ta cần phải trả lời được câu hỏi của các em: học toán để làm gì? Nhưng giờ chúng ta không trả lời được câu hỏi đó. Trong khi đó, sinh viên giờ đây rất thực tế. Bởi các em phải tính toán mỗi năm phải nộp bao nhiêu triệu đồng học phí, rồi nhiều em còn phải đi vay để học, nên ra trường là phải lo đi làm ngay để kiếm tiền trả nợ”.
GS Văn so sánh: “Tuyển sinh vào đại học y chẳng hạn, rất dễ, vì các em đều đã có câu trả lời học để làm gì. Với toán cũng vậy, phải có một câu trả lời, vì rõ ràng không phải ai học xong cũng trở thành nhà nghiên cứu. Nếu không trả lời được câu hỏi đó thì làm bất kỳ cái gì cũng không mấy tác dụng”.

Toán trắc nghiệm làm "hỏng" khả năng học toán của sinh viên 

GS Đỗ Đức Thái, Chủ nhiệm Khoa Toán, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết tuy nguồn tuyển của trường này cao nhất cả nước (trong số các trường đào tạo ngành toán) nhưng chất lượng đào tạo của khoa bị đe dọa do chất lượng giáo dục phổ thông, đặc biệt là do hệ lụy của việc thi toán trắc nghiệm.
Theo GS Thái, trong 5 năm trở lại đây, do tác động tiêu cực từ việc thi toán trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia (nay là thi tốt nghiệp THPT), chất lượng sinh viên của khoa toán sụt giảm, biểu hiện ở 2 khía cạnh:
Một là ở phẩm chất người học toán, làm toán, năng lực tư duy, suy luận, thể hiện ở kết quả học tập của sinh viên. Năng lực suy luận và tư duy của sinh viên từ K64 trở lại đây (hiện nay là K69) giảm rõ rệt so với trước đây.
Thứ hai là ở khả năng tiếp cận của sinh viên với các bài giảng. Ở phổ thông, các thầy cô giáo dạy để giúp học sinh đối phó với việc làm bài thi trắc nghiệm. Việc dạy học một cách căn cơ, bài bản theo chương trình không được như trước đây. Học sinh giữ thói quen học ở phổ thông, vào đại học mà không biết ghi bài, khả năng tự học sụt giảm rõ rệt.
Theo GS Thái, ngay với diện học sinh xuất sắc, kết quả học tập của các em cũng không được như kỳ vọng.
“Học sinh giỏi thời nay không được như thời tôi, thời anh Châu hay sau đó một chút, do chúng ta đã đổi hướng, đã triển khai không đúng cách bồi dưỡng học sinh giỏi. Bệnh thành tích chi phối một cách nặng nề, làm biến dạng giáo dục toán học phổ thông ở các trường chuyên hiện nay. Các em không được dạy tử tế nữa. Nếu tình trạng đó tiếp tục thì việc giải tán chuyên toán có lợi hơn là duy trì nó”, GS Thái giải thích, và đề xuất: “Hãy làm như tất cả các nước là chuyển việc tổ chức thi học sinh giỏi về cho hội toán học, biến nó thành kỳ thi thôi thúc sự hiểu biết, ham học, vươn lên trong học toán".
TS Lê Quang Thủy, Viện trưởng Viện Toán ứng dụng và tin học, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, cũng phàn nàn về hậu quả của cách dạy luyện thi trắc nghiệm trong trường phổ thông mà trường đại học là nơi hứng chịu.
“Vừa rồi, Trường đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức cho thí sinh làm bài kiểm tra tư duy, lấy điểm này làm điểm đầu vào xét tuyển đại học. Trong bài kiểm tra tư duy, 75% là toán, gồm 50% toán trắc nghiệm và 25% toán tự luận. Với bài toán tự luận, mức độ yêu cầu của đề thi rất thấp, chỉ tương đương với trình độ toán lớp 9. Vậy mà kết quả, có những túi bài thi trên 50% số bài thi đạt điểm 0 phần tự luận”, TS Thủy cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.