Muốn trong sạch địa bàn, nhiều địa phương lạm dụng đưa người vào nơi cai nghiện

18/04/2017 11:10 GMT+7

Trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban TVQH sáng nay, 18.4, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết để trong sạch địa bàn, nhiều địa phương đã lạm dụng việc đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện .

60% tội phạm có liên quan đến ma tuý
Sáng nay, Ủy ban TVQH tổ chức phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung về các nhóm vấn đề: Giải pháp để đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ. Vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước.
Phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp trên VTV 1 và được kết nối tới các đoàn ĐBQH ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung tại phiên chất vấn Ảnh Trường Sơn
Trả lời câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) về hiện tượng học viên cai nghiện trốn trại gần đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, hiện cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 10.617 người so với cùng kỳ năm 2015 (200.134 người).
Theo ông Dung, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý tổ chức triển khai thực hiện cai nghiện. Tuy nhiên, kết quả mang lại không như mong muốn, tỷ lệ tái nghiện cao, số người nghiện ma túy không ngừng gia tăng.
Ngoài nghiện heroin, số người sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS), cỏ mỹ “XLR-11” tăng nhanh, đặt biệt ở các tỉnh, thành phố phía Nam như: TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu....
“Người sử dụng ma túy tổng hợp có rối loạn tâm thần và một số có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội. Theo số liệu từ ngành công an, có tới 60% tội phạm có liên quan đến ma tuý, trong đó rơi nhiều vào giới trẻ”, ông Dung nói.
Chưa có chế tài gì với người cai nghiện vi phạm
Theo số liệu của Bộ LĐ-TB-XH, cả nước có hơn 40.000 người nghiện đang cai nghiện ở các cơ sở, trong đó cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án cho 17.488 học viên, tăng 12.461 học viên so với năm 2015, trong đó có 10.422 học viên không có nơi cư trú ổn định, chiếm 59,5%; cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập cho 3.576 học viên; điều trị thay thế bằng thuốc Methadone cho 53.070 người, trong đó tại các cơ sở của ngành y tế là 50.230 người, ngành LĐ-TB-XH là 2.840 người.
Các cơ sở cai nghiện tập trung vừa qua xảy ra các vụ trốn, đập phá cơ sở trốn ra ngoài với số lượng lớn, gây tình trạng mất an ninh, trật tự trong khu vực địa phương như ở Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Hải Phòng.
Một trong những lý do, theo ông Đào Ngọc Dung, là các đối tượng này đều bị bắt buộc cai nghiện chứ hầu như không phải tự nguyện, vì đều đã qua quá trình cai nghiện ở gia đình, cộng đồng nhưng không thành công.
Theo Bộ trưởng Dung, bên cạnh đó còn có tình trạng thực hiện đưa người nghiện đi cai không đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ.
“Nhiều địa phương do muốn trong sạch địa bàn nên cứ sử dụng ma tuý là đưa vào cơ sở cai nghiện mà không phân biệt người sử dụng ma tuý, người nghiện, người có nơi cư trú, người không có nơi cư trú. Tất cả đều được đưa vào cơ sở cai nghiện nên đã dẫn đến tình trạng quá tải”, Bộ trưởng cho hay.
Dẫn chứng trường hợp cơ sở cai nghiện ở Đồng Nai chỉ đáp ứng được khoảng 500 - 600 người, nhưng đưa vào tới 1.447 người, trong khi cơ sở vật chất chủ yếu tận dụng từ thời Mỹ - Nguỵ, không đảm bảo, nhiều học viên phải nằm trên sàn bê-tông, ông Dung nhấn mạnh “Điều này đã gây ra sự bức bối cho các học viên”.
Một nguyên nhân khác, theo Bộ trưởng LĐ-TB-XH, là trong quá trình thực hiện cai nghiện bắt buộc, theo quy định phải phân biệt các giai đoạn, nhưng do cơ sở hạn chế nên tất cả học viên vào từ ban đầu, đang cai và sau cai đều ở chung, dẫn tới có sự lôi kéo, tác động nhau. Hầu như ở các cơ sở này tối thiểu có từ 35-45% học viên có tiền án, tiền sự, thậm chí là đối tượng cộm cán, từng đi tù, số này có tâm lý quá khích, xúi giục, kích động, chống đối. Trong khi đó, cán bộ làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy không được phép sử dụng các chế tài để răn đe, trấn áp, xử lý học viên có hành vi vi phạm.
“Trường hợp các học viên phá trại, bỏ trốn thì cũng không có chế tài gì ngoài việc cơ sở có trách nhiệm tìm vận động đưa các em trở lại. Sau vụ Đồng Nai, Vũng Tàu thì có em nói với tôi, nếu chúng trốn ra bị bắt lại thì lại ở trại thôi chứ có gì đâu”, ông Dung cho biết.
Một nguyên nhân nữa, theo Bộ trưởng Dung, là đội ngũ cán bộ, cơ sở mỏng, trung bình mỗi cán bộ phải phục vụ ít nhất 10 học viên. Ở Đồng Nai, Tỉnh ủy đã cho thêm 30 biên chế, đăng tuyển nhưng không có người muốn vào làm, vì chế độ hạn chế, điều kiện làm việc phức tạp, thậm chí nguy hiểm.
“Tôi nói thật rất khó khăn, lương có 2 triệu/tháng thôi mà rất nhiều khó khăn. Cơ sở phức tạp như vậy nhưng cán bộ không được trang bị phương tiện để đảm bảo an ninh, trong khi các đối tượng cai nghiện luôn tìm cách khích cán bộ nổi nóng để lấy cớ gây sự”, Bộ trưởng nói.
Về góc độ pháp lý, Bộ trưởng Dung cho biết, hiện vẫn còn một số vướng mắc như theo quy định, độ tuổi 12-18 không đưa vào các cơ sở cai bắt buộc, nhưng thực tiễn số lượng rất lớn, phức tạp. Theo ông Dung, quy định thời gian cai nghiện 24 tháng thực tiễn cho thấy là quá dài, chưa kể thời gian sau cai 12-24 tháng nhưng hiệu quả thấp, cần nghiên cứu, đánh giá lại.
Cũng theo Bộ trưởng, sự phối hợp các cơ quan chức năng trong vấn đề này cần phải xem xét. Ở các nước, vấn đề này được giao cho các cơ quan tư pháp, nhưng ở Việt Nam lại do Bộ LĐ-TB-XH phụ trách. Mặc dù có sự phối hợp với các cơ quan khác, nhưng khi học viên vào cơ sở cai nghiện là hoàn toàn thuộc trách nhiệm của ngành LĐ-TB-XH - vốn là cơ quan thuần túy dân sự- nên gặp nhiều khó khăn khi có vấn đề phát sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.