Mượn xe, mang túi nilon đi mua xăng vì nhiều trạm nghỉ bán
Trưa 20.10.2022 nhiều trạm xặng dầu ở TP.HCM những ngày trước còn hoạt động thì đến nay đã phải để những tấm bảng thông báo hết hàng. Người dân xe hết xăng, lo ngại khi nhiều trạm xăng gần nhà hết hàng nên phải mượn xe đi mua xăng bỏ vào túi nilon mang về.
Tự động phát
Nhiều trạm xăng dầu ở Gò Vấp, quận 12 (TP.HCM) những ngày trước còn có hàng thì đến trưa 20.10.2022 đã xuất hiện những tấm bảng thông báo 'hết xăng", "hết xăng, còn dầu", "tạm ngưng bán hàng".
Một số trạm xăng không để bảng thông báo thì nhân viên cũng ngồi lắc tay ra hiệu cho người dân đi chỗ khác mua. Ngược lại, một số cây xăng một ngày trước đó hết xăng thì nay lại có hàng và đã hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn vất vả vì nhiều cây xăng đang trong tình trạng “im ỉm khóa”.
"Hết xăng, còn dầu" |
NGUYỄN ANH |
"Cây xăng tạm ngưng sửa chữa" |
NGUYỄN ANH |
"Tạm ngưng bán hàng" |
nguyễn anh |
...và những cái lắc tay quen thuộc |
NGUYỄN ANH |
Thậm chí, có người xe hết xăng, lo ngại khi nhiều trạm xăng gần nhà hết hàng nên họ phải mượn xe đi mua xăng bỏ vào túi nilon mang về.
Bên cạnh một số nơi thông báo hết xăng và nhân viên cũng không biết khi nào sẽ có hàng trở lại thì một số trạm xăng dầu ở các quận Bình Thạnh, Gò Vấp vẫn trong tình trạng ngừng hoạt động hoặc thông báo đang sửa chữa.
Người phụ nữ này phải mượn xe, cầm bịch nilon đi mua xăng |
NGUYỄN ANH |
Một số cây xăng ở TP.HCM những ngày gần đây tái diễn cảnh đặt biển "hết hàng" |
NGUYỄN ANH |
Trước đó, ngày 19.10, Thủ tướng đã có công văn chỉ đạo liên quan thị trường xăng dầu. Cụ thể, những ngày gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh thành phía nam gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công thương quan tâm chỉ đạo ổn định tình hình thị trường xăng dầu, nhất là các cửa hàng bán xăng, không để bất ổn tình hình.
Cũng liên quan đến tình hình xăng dầu, ngày 18.10, Bộ Công thương đã gửi 2 công văn “hỏa tốc” đến Ngân hàng Nhà nước và đến Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính kịp thời rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam phù hợp với thực tế phát sinh thời gian qua để tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở theo quy định hiện hành, nhằm đảm bảo duy trì hoạt động cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu cung ứng cho thị trường. Thứ hai, văn bản đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện việc thông quan hàng xăng dầu sớm để kịp bổ sung nguồn hàng từ nguồn nhập khẩu cho thị trường trong nước.
Tại công văn gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường.
Đồng thời, văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ để nhanh chóng thực hiện các thủ tục mua xăng dầu kịp thời bổ sung nguồn cung cho thị trường trong nước.
Bộ Công thương cũng đã lập danh sách 16 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại “bơm” tiền cho vay vốn, nâng mức tín dụng, tiếp cận ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu.
Bình luận (0)