Mút chỉ mút cà tha

23/01/2020 07:03 GMT+7

Cụm từ 'mút chỉ cà tha' từ hồi nhỏ nhiều người dân miền Nam đã sử dụng hoặc đã nghe, nhưng không rõ nó xuất xứ từ đâu, chỉ biết rằng nó thể hiện một cái gì xa thiệt xa, lâu thiệt lâu.

Như nói “Nhà tui ở mút chỉ mút cà tha” (là nhà tui ở xa dữ lắm) hoặc “Mầy đi mút chỉ mút cà tha hả con?” (là mầy đi chơi không biết giờ về). Một cụm từ quá xưa và dân dã, không ngờ lại xuất hiện trên sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, nghe xao xuyến cả lòng.
Tác giả Ngọc Phụng cảm tác từ truyện ngắn Thương quá rau răm của Nguyễn Ngọc Tư và NSƯT Thành Hội đạo diễn đã cho ra vở kịch Mút chỉ mút cà tha thật cảm động, bồi hồi. Thì ra đó là một địa danh có thật, một vùng cù lao xa xôi có tên là Mút Cà Tha cách xa đất liền bởi bốn bề sông nước, cho nên đời sống cư dân rất nghèo khó và thiếu thốn tiện nghi. Chính vì vậy trạm y tế lần lượt đón 5 người bác sĩ đến công tác và họ cũng lần lượt chia tay ra đi. Những người dân nghèo tự thân chống chỏi với nắng mưa, bệnh tật, nhìn mà thương đứt ruột. Nhưng thương hơn nữa là cái tình của họ, nó mộc mạc, nó thắm thiết, nó tận tụy làm sao. Nhìn cái cách họ làm cờ làm quạt đón bác sĩ thứ 6, rồi cái cách họ vụng về đem tặng từng con cá, con chim bắt được trên đồng, những nhúm trà sen tự tay ướp bằng gió sương của trời đất… tự nhiên rưng rưng nước mắt. Những món quà nhà nghèo chứa bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu hi vọng và bao nhiêu khẩn cầu bác sĩ ở lại nơi này cứu giúp họ. Kể cả một mối tình của cô giáo Nga, vừa như cái neo giữ lấy con thuyền, vừa như một lời hứa ngọt ngào hạnh phúc. Nhưng liệu có giữ chân được bác sĩ hay không?
Mút chỉ mút cà tha1

Tuyết Thu và Đoàn Minh Tài trong vở Mút chỉ mút cà tha

Ảnh: H.K

Không thể trách bác sĩ Văn khi anh đã nói lời từ biệt. Bởi ở Sài Gòn anh có một người yêu đang chờ đợi, một chỗ làm rất tốt trong bệnh viện lớn, nơi mà nhiều người mơ ước vẫn không được. Cứ tưởng vậy là đã xong một duyên phận. Ai ngờ, chỉ cần một chút cư xử thôi, người ta lộ nguyên hình là kẻ lắm tiền ngạo mạn, xúc phạm tới lý tưởng và nhân phẩm của người trí thức. Bác sĩ Văn hiểu ra rằng mọi thứ đều có giá của nó và hình như cái giá ấy khá đắt cho một cuộc đời. Rút lui vẫn còn kịp. Bác sĩ Văn lặng lẽ trở về cù lao xa xôi, mà chuyến đi này đúng nghĩa “mút cà tha”, nghĩa là đi luôn, đi xa lắc luôn, bởi anh sẽ gắn bó đời mình nơi đây với bà con, với cô vợ dịu dàng hiền thục.
Mút chỉ mút cà tha2

Thành Hội, Vân Anh, Đoàn Minh Tài trong vở Mút chỉ mút cà tha

Ảnh: H.K

Mô típ trí thức về vùng sâu đã được văn học khai thác nhiều từ mấy chục năm nay, với kiểu đấu tranh tư tưởng đi hay ở, dấn thân hay bỏ cuộc. Chỉ khác nhau là ở nội dung câu chuyện và ở cách thể hiện hay hoặc dở. Nguyễn Ngọc Tư có lối kể chuyện không đi vào tranh đấu, mà đi vào những chi tiết yêu thương, những cảm xúc bổi hổi bồi hồi, làm đứt lòng đứt dạ người ta. Thì sân khấu cũng thế, Hoàng Thái Thanh chuyên dựng kịch kiểu ấy, cho nên cả khán phòng như rưng rưng nước mắt. Bồi hồi nhất là những người miền tây sông nước, cứ nhớ lại những cù lao xa tít tắp quê mình, nhìn sang bờ bên kia chỉ thấy một dải xanh xanh chìm trong sóng nước. Những năm lên trung học mấy đứa nhỏ phải bơi xuồng sang sông tìm con chữ vì cù lao chỉ có điểm trường tiểu học mà thôi. Đổi mạng lấy chữ! Những con sóng cuồng nộ từng nhấn chìm bao tuổi thơ. Và dòng sông cũng là dải ngăn cách sinh tử y như vợ chú Tư trong vở kịch. Bệnh mà không kịp bơi sang sông chữa trị. Bệnh mà bó tay ngồi nhìn vì không có bác sĩ. Xem kịch mà thương dân mình gian khổ, mà quý trọng những người trí thức chịu về làng cống hiến cả thanh xuân.
Dàn nghệ sĩ Ái Như, Thành Hội, Tuyết Thu, Đoàn Minh Tài, Ngọc Duyên, Vân Anh, Thế Hải, Nguyễn Long, Tấn Đạt, Hoài Thương… đều quá vững vàng trong diễn xuất. Họ thể hiện những con người miền tây Nam bộ thật không sai chút nào. Có thể nói, sân khấu Hoàng Thái Thanh là nơi có nhiều kịch bản đậm đà bản sắc miền tây và đa số đều bi kịch, hoặc không bi kịch thì cũng tràn đầy cảm xúc, rưng rưng. Điều đó làm nên một phong cách khác biệt của Hoàng Thái Thanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.