Bàn tay phồng rộp, chảy máu, khắp người lem luốc, suốt ngày hít bụi than... nhưng nhiều phụ nữ vẫn phải chọn nghề hầm than làm kế mưu sinh.
Xã Tân Thành (TX.Ngã Bảy, Hậu Giang) là địa phương có nhiều lò hầm than và không ít người thợ đã sống chết với nghề này 10 - 20 năm nay. Trước đây, củi dùng hầm than chủ yếu là đước, nhưng vài năm gần đây cây đước ngày càng khan hiếm nên nhiều chủ lò chuyển sang sử dụng các loại khác như nhãn, bạch đàn...
Bà Trần Thị Nga (56 tuổi, ngụ xã Tân Thành) có hơn 10 năm làm chủ lò than, cho biết gia đình bà hiện có 2 lò hầm than công suất 12 và 15 tấn với 14 nhân công. Trong đó hơn phân nửa là phụ nữ, chia thành nhiều tốp đảm nhận những công việc khác nhau như: khuân vác củi từ ghe lên bờ; bóc vỏ, đưa củi vào lò; đốt than; khiêng than từ lò ra ngoài; xuất than cân bán cho thương lái... Tùy vào lò lớn nhỏ mà lượng củi chất vào ít hay nhiều, thông thường từ 40 - 60 m3. Mỗi mẻ sau khi hầm xong, nếu “trúng” sẽ được khoảng 13 -14 tấn than.
Lau giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt sạm đen vì nắng bụi, bà Lâm Thị Sa (40 tuổi, ngụ ấp Đông An 2, xã Tân Thành) kể gia đình không có đất sản xuất nên hai vợ chồng bà đi làm thuê kiếm tiền nuôi 2 đứa con. Chồng bà làm thuê trên ghe lúa, vài tháng mới về nhà một lần; còn bà xin vác củi tại lò than gần nhà. Theo bà Sa, làm nghề này không khó, nhưng đòi hỏi phải có sức khỏe, nếu không sẽ không trụ được lâu dài. Công việc vác củi từ dưới ghe lên bờ không nặng, mỗi khúc củi từ 5 - 10 kg nhưng phải còng lưng suốt ngày ngoài trời, bất kể nắng hay mưa. Nếu làm theo ngày, chia ra 2 - 3 người một khâu thì mỗi người kiếm được hơn 100.000 đồng.
Đi vào bên trong lò, bụi than bay đặc quánh cả một khu vực, mùi khét lẹt của than xộc thẳng vào mũi cùng với sức nóng hầm hập của lò than khiến chúng tôi choáng váng. Phía trong lò, nhóm 2 phụ nữ vẫn cặm cụi nhặt than đã “chín” để đẩy ra ngoài. Bà Nguyễn Thị Hậu (41 tuổi, ngụ xã Tân Thành) khắp người lem luốc than đen, quệt vội mồ hôi trên trán, tâm sự: “Lúc trước tôi trồng cam, nhưng giá cam sụt giảm liên tục dẫn đến thua lỗ nên tôi chuyển sang làm thuê cho lò hầm than, tính đến nay đã hơn 10 năm. Lúc mới vào nghề, hơi nóng trong lò phả ra rát hết cả da mặt, mùi than nồng nặc xộc lên tận óc... nhưng tôi vẫn chấp nhận bởi công việc này có thu nhập ổn định hơn so với đi hái trái cây thuê”.
Chấp nhận đánh đổi
Chuyển củi từ ghe lên lò hầm
Do cả ngày “trầm mình” trong lò than ngột ngạt, bụi bặm và khuân vác than ra ngoài không ngơi nghỉ nên đêm đến tôi hay bị đau nhức cả người. Bàn tay phồng rộp, chảy máu do bốc than nóng, hai mắt thường đỏ hoe do bụi than bay vào... nhưng vì chén cơm manh áo nên tôi phải ráng và làm riết rồi quen
Bà Nguyễn Thị Kim Em
Trưa đến là lúc những người thợ được giải lao. Ai nấy vội vàng xuống mé sông với tay khoát nước rửa mặt, rửa tay chân qua loa rồi chạy về nhà ăn cơm cho kịp ca chiều. Người nhà xa thì ở lại, mua tô bún rồi ngồi trên ghe ăn vội. Một số khác ngồi bệt trước đống củi với những bàn tay còn lem luốc xúm xít, trò chuyện rôm rả, hình ảnh những người thợ đốt than nhoẻn miệng cười tươi dù gương mặt bám đầy bụi than đen như vơi bớt phần nào khổ cực trong cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Kim Em (42 tuổi, ngụ xã Tân Thành), cho biết nghề này vất vả lắm. Mỗi công đoạn có những khó khăn khác nhau. Đồ bảo hộ lao động chỉ là khẩu trang bịt kín mặt để hạn chế bụi than bay vào mũi cùng đôi bao tay và nón. “Do cả ngày “trầm mình” trong lò than ngột ngạt, bụi bặm và khuân vác than ra ngoài không ngơi nghỉ nên đêm đến tôi thường bị đau nhức cả người. Bàn tay phồng rộp, chảy máu do bốc than nóng, hai mắt đỏ hoe do bụi than bay vào... nhưng vì chén cơm manh áo nên tôi phải ráng và làm riết rồi quen. Ở không thấy buồn tay chân. Đến đây gặp được chị em, vừa làm vừa trò chuyện về cuộc sống, gia đình... với nhau vậy mà vui”, bà Kim Em chia sẻ.
Củi được bóc vỏ để đem vào lò hầm
Khiêng và đẩy than ra ngoài
Mặt bà Hậu lấm lem bụi than
Do suốt ngày phải lao động nặng nhọc và tiếp xúc với khói bụi từ lò than, nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn. Thông thường, những người làm tại đây thường bị nhức đầu, viêm mũi do hít bụi than lâu ngày. Một số khác thì mắc bệnh viêm xoang, đường hô hấp. Còn những người vận chuyển củi thì bị đau nhức khớp, thần kinh tọa... Nhưng dường như cuộc mưu sinh đã khiến họ quen dần với khói bụi, với những nhọc nhằn và chấp nhận đánh đổi để kiếm tiền nuôi sống gia đình.
Để tạo ra một mẻ than cần trải qua nhiều công đoạn và công việc khá nặng nhọc nên hầu như chủ lò than nào cũng phải thuê nhân công thực hiện. Thu nhập của người làm thuê tại các lò than dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày, tùy vào công việc. Tuy nhiên, những năm gần đây việc sản xuất than xuất khẩu đang gặp khó. Cùng với đó, đời sống người dân ngày càng phát triển, mọi nhà đều sử dụng gas, điện... thay than khiến nhiều người thợ ở các lò hầm than đối mặt với nguy cơ mất việc làm.
Bình luận (0)