Nhiều năm qua, hàng chục hộ gia đình ở các xã Kim Trung, Kim Hải, Kim Đông, Kim Mỹ và TT.Bình Minh (H.Kim Sơn, Ninh Bình) xem rừng ngập mặn là nguồn sinh kế bền vững.
Rừng ngập mặn Kim Sơn rộng hơn 600 ha, thuộc địa giới hành chính các xã Kim Trung, Kim Hải, Kim Đông và TT.Bình Minh.
Hằng ngày, người dân nơi đây vừa trông coi, bảo vệ khu rừng ngập mặn hơn 600 ha, vừa đánh bắt các loài thủy hải sản.
Rừng chủ yếu trồng cây sú (cây bần), loài cây nước mặn có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ đất đai và an toàn tính mạng người dân trước các hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt.
Những cây sú to, có tuổi đời hàng chục năm không chỉ là bức tường vững chãi chống chọi bão, sóng, gió lớn mà còn là nơi trú ngụ, môi trường sinh sản của các loài tôm, cua, cá,…
Hằng ngày, cứ khoảng 16 giờ, anh Phan Văn Toàn (35 tuổi, ngụ xã Kim Mỹ) lại chuẩn bị ngư cụ rồi len lỏi qua tầng tầng lớp lớp cây sú để đánh bắt các loài tôm, cá.
Khoảng 8 giờ mỗi ngày, anh Toàn thu đồ nghề, hôm được thì 700.000 đồng; hôm ít cũng 300.000 - 400.000 đồng.
Nghề mưu sinh dưới rừng ngập mặn không giúp các gia đình ở cửa biển Kim Sơn giàu có, nhưng cũng đủ để gia đình 4 người nhà anh Toàn sống ổn định. "Trước đây, thấy nhiều người dân mưu sinh dưới rừng ngập mặn, chính quyền còn giao cho mỗi hộ một khu tự trông coi, bảo vệ rừng để không ai phá hoại rừng. Khu vực đó các hộ cũng tự khai thác hải sản bằng các dụng cụ thô sơ, không có tính hủy diệt hàng loạt để vừa bảo vệ được rừng, bảo vệ nguồn sinh sôi thủy sản, vừa có nguồn thu nhập", anh Toàn cho hay.
Cũng theo anh Toàn, người dân nơi đây hiểu rằng nguồn lợi từ thủy hải sản là có hạn, nên đánh bắt phải hợp lý, hết sức tránh việc làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, sinh sản của các loài. "Thủy hải sản là nguồn sống của chúng tôi, có con nhỏ lớn lên thì mới có con lớn để đánh bắt, nên chúng tôi bảo vệ khu rừng không chỉ để giữ cho rừng chắn sóng, chắn gió mà còn có môi trường thuận lợi cho các loài sinh sản. Có thế cuộc sống chúng tôi mới bền vững được. Kể cả ở đây nếu phát hiện ai vào bắn chim chúng tôi sẽ báo ngay cho cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý", anh Toàn nói.
Hằng ngày, có nhiều người dân vào rừng ngập mặn H.Kim Sơn bắt ngao bán lấy tiền sinh sống
Niềm vui của một người phụ nữ khi bắt được nhiều ngao trong rừng ngập mặn
Rừng ngập mặn Kim Sơn là khu vực vùng đệm và vùng chuyển giao của khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước phía nam châu thổ sông Hồng, được UNESCO công nhận vào năm 2004.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới này chứa đựng những họat động kiến tạo địa chất và đa dạng sinh học có giá trị nổi bật toàn cầu với các kiểu sinh cảnh chủ yếu: bãi bùn, bãi cát ngập triều, trảng cỏ, sậy, rừng ngập mặn cùng các cồn cát, phi lao…
Rừng ngập mặn Kim Sơn là nơi sinh sống, sinh sản của nhiều loài động, thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ thế giới. Rừng và con người nơi đây sống cộng sinh với nhau hết sức hài hòa, bền vững.
Bình luận (0)