Vật lộn với cuộc mưu sinh
Mấy ngày qua, bản tin dự báo thời tiết cho biết "cường độ nắng nóng dịu bớt" khiến nhiều người nhẹ nhõm vì đã quá mệt mỏi dưới nắng nóng kéo dài liên tục từ sau tết đến nay. So với đỉnh điểm 38,5 độ C vào đầu tháng 3 thì nhiệt độ cao nhất những ngày gần đây xuống còn 37,5 - 37,6 độ C.
Theo quy ước khí tượng, nhiệt độ trên 37 độ C được xác định là nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên, do TP.HCM là nơi thừa bê tông, thiếu cây xanh, thiếu hồ nước để làm mát, cùng với rất nhiều động cơ từ các phương tiện giao thông, máy móc sản xuất, máy lạnh…nên nhiệt độ cảm nhận lên tới 39 - 40 độ C. Nắng nóng gay gắt, kéo dài không chỉ gây kiệt sức mà còn làm đảo lộn sinh hoạt của nhiều người.
Làm việc ở đường băng Tân Sơn Nhất: Hàng chục năm tập quen với cái nóng 50 độ C
Mặc dù vậy, họ vẫn phải lao ra đường kiếm sống. Dạo một vòng quanh khu vực trung tâm, chúng tôi gặp anh Tuấn, bán dừa tắc trên xe máy. Anh vừa chạy dạo một vòng quanh những khu vực quen thuộc rồi dừng lại dưới bóng cây trên đường Võ Thị Sáu (Q.3). Anh Tuấn kể sau dịch anh bị mất việc nên chuyển sang "khởi nghiệp" với nghề này. "Nắng thì mệt thật nhưng nắng nóng cũng là cơ hội để tôi có thêm thu nhập. Vậy nên ráng", anh Tuấn nói và cho biết thêm nếu như ngày bình thường anh bán được khoảng 70 ly thì những ngày nắng nóng như hiện nay có thể tăng lên đến trên 100 ly. Trừ hết chi phí anh cũng lời được 3.000 đồng mỗi ly.
Dù vậy, anh thừa nhận không thể "tăng ca" quá nhiều vì mệt mỏi do phơi mình dưới nắng nóng cả ngày, phải dưỡng sức cho những ngày tiếp theo. Bán dừa tắc dạo nhưng anh vẫn có đầy đủ "thương hiệu", số điện thoại liên lạc và tài khoản ngân hàng. "Có nhiều khách quen, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên họ thường gọi mình đến mua 5 -10 thậm chí có khi 20 ly. Các bạn trẻ bây giờ chỉ chuyển khoản, nên mình cũng phải có mới buôn bán được", anh Tuấn giải thích.
Ở một con đường khác cùng quận, chúng tôi chứng kiến hình ảnh người bảo vệ quá tuổi trung niên đang bám trụ vị trí công việc dưới tán cây nhỏ trên vỉa hè. Những bóng nắng loang lổ từ tán cây chiếu thẳng xuống dưới, rọi vào khuôn mặt mệt mỏi và đen sạm của ông. Dưới chân ông, ly nước đã cạn từ bao giờ. Cách đó không xa, một ông cụ ngồi sát vào bờ tường để nương nhờ một chút bóng mát hắt xuống. Trước mặt ông là thảm xe máy, tấm chống nắng… nhưng không có một khách nào.
Buổi trưa cũng là thời điểm những công nhân vệ sinh khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ hết ca làm, vội tìm bóng mát dưới tán cây, nơi vỉa hè, mở cơm hộp mang theo ra ăn. Sau bữa trưa, họ dùng nón che mặt để tranh thủ chợp mắt trước khi vào ca chiều. Có rất nhiều người lao động phải làm việc dưới cái nắng cháy da, cháy thịt. Nắng nóng gay gắt khiến công việc của họ càng thêm nặng nhọc vì bị mất nhiều sức hơn. "Bình thường, mỗi buổi đi làm mình mang theo một phần cơm với bình nước là đủ. Những ngày nắng nóng gay gắt như thế này, phải uống thêm lon nước ngọt hay ly nước mía mới đủ sức làm", anh Trần Văn Thời, một công nhân vệ sinh, tâm sự.
Trái đất "bên vực thẳm": Liên Hiệp Quốc báo động đỏ về nhiệt độ tăng
Nắng nóng, hạn mặn tiếp tục bất thường
Các tổ chức khí tượng trên thế giới và trong nước cho biết hiện tượng El Nino đã suy yếu nhưng tác động vẫn sẽ tiếp tục kéo dài trong vài tháng tới. Tháng 2 vừa qua cũng chính thức được xác nhận là tháng nóng nhất lịch sử. Nếu tính từ giữa năm 2023 thì đã 7 tháng liên tiếp, tháng nào cũng là tháng nóng hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ.
Các chuyên gia của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) giải thích: El Nino chỉ là một phần nguyên nhân gây nên hiện tượng nắng nóng bất thường, cốt lõi của vấn đề chính là tác động của con người đến tự nhiên đang gây nên tình trạng biến đổi khí hậu. Tình trạng này chưa có nhiều cải thiện. Chúng ta cần có nhiều hành động nhanh chóng và quyết liệt hơn để làm chậm lại quá trình ấm lên toàn cầu này.
Trong bối cảnh đó, Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, lo ngại mùa nắng ở Nam bộ năm nay có khả năng đạt mức nhiệt cao kỷ lục đến 40 độ C. Cao điểm nắng nóng vẫn còn tiếp tục trong tháng 3 và ít nhất là nửa đầu tháng 4. Đến cuối tháng 4 đầu tháng 5 mới bắt đầu chuyển sang mùa mưa. Khác với nắng nóng kỷ lục của Nam bộ, các vùng miền khác trong cả nước có thể nắng nóng ít gay gắt so với trung bình nhiều năm vì mùa nắng nóng ở những nơi đó đến sau Nam bộ và lúc đó El Nino đang suy yếu.
Mới đây ông Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), cũng nhận định: Từ đầu năm đến nay thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện nhiều nơi, như đợt rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài từ tháng 2 sang tháng 3 ở miền Bắc. Nam bộ nắng nóng xuất hiện dài ngày, xâm nhập mặn tăng cao hơn ở ĐBSCL. Sắp tới, những hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường vẫn còn tiếp tục xảy ra. Chính vì vậy, Tổng cục Khí tượng thủy văn sẽ cố gắng dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm trên phạm vi cả nước...
Trong khi nắng nóng gay gắt vẫn kéo dài đặc biệt ở miền Đông thì tại ĐBSCL ngoài nắng nóng lại chuẩn bị đón thêm một đợt mặn xâm nhập sâu tiếp theo. Nguyên nhân, do Nam bộ sắp bước vào kỳ triều cường giữa tháng 2 âm lịch. Đỉnh của đợt triều cường này có thể rơi vào giai đoạn từ ngày 25 - 27.3 và đây được xác định là một trong những đợt triều cường cao. Chính vì vậy, nước mặn từ biển sẽ xâm nhập sâu vào các nhánh sông, người dân các tỉnh ĐBSCL cần đặc biệt chú ý theo dõi để phòng tránh.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết dù không gay gắt bằng mùa khô năm 2015/16 hay 2019/20 nhưng tình hình xâm nhập mặn năm nay cao hơn nhiều so với trung bình các năm. Cụ thể, tại hầu hết trạm đo độ mặn đều cao hơn cùng kỳ năm 2023 từ 0,3 - 8,5‰. Đợt xâm nhập mặn sắp tới, ranh mặn 4‰ trên hệ thống sông Vàm Cỏ vào sâu đến 70 - 90 km. Các nhánh sông Cửu Long từ 40 - 60 km. Sau đợt này vẫn còn khoảng 2 đợt xâm nhập mặn nữa vào tháng 3 âm lịch, nhưng khả năng sẽ ít gay gắt hơn.
Theo thống kê của cơ quan chức năng các địa phương ĐBSCL, hiện có hàng chục ngàn hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt phục vụ cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó khoảng gần 30.000 ha lúa cùng khoảng 45.000 ha cây ăn trái bị hạn mặn đe dọa. Các cơ quan liên quan cũng đẩy mạnh hoạt động cung cấp nước sạch cho người dân cũng như tiếp tục tuyên truyền khuyến cáo bà con nông dân không tiếp tục xuống giống lúa ở những vùng có nguy cơ cao, tranh thủ lấy nước khi các đợt triều cường rút…
Bình luận (0)