|
>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm: Nuôi rắn độc trong nhà
Phiên biển 2,3 tỉ đồng
Dù đã mấy năm trôi qua nhưng đến giờ ngư dân Lê Túc (47 tuổi) ở thôn Tây, xã An Hải, H.Lý Sơn (Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu QNg 66029 TS vẫn nhớ như in chuyến biển gần 40 ngày ở vùng biển quần đảo Trường Sa vào tháng 4.2011. Thời điểm đó, anh cùng 9 bạn chài đã trúng đậm hải sâm với trị giá 2,3 tỉ đồng. Đây là phiên biển có mức doanh thu kỷ lục trên đảo Lý Sơn từ trước đến nay.
Thuyền trưởng Lê Túc nhớ lại: Sau 10 ngày cật lực lặn tìm hải sâm nhưng số lượng khai thác rất ít, chỉ được khoảng 100 kg. Anh em bạn chài trên tàu mặt mày méo xẹo, ai cũng nghĩ chuyến biển này thất thu.
|
Nào ngờ, bước qua ngày thứ 11, sau cú lặn đầu tiên, thợ lặn Bùi Tịnh gặp ngay ổ hải sâm nằm sắp lớp dưới đáy biển sâu, tựa như dưa hấu nằm trên ruộng. Cứ thế, thợ lặn Tịnh lấy tay bốc bỏ vào đầy vợt, được 50 kg. Bằng kinh nghiệm sau nhiều năm săn hải sâm, thuyền trưởng Túc nhận định, hải sâm thường ở thành từng cụm vì thế chuyến biển này sẽ trúng đậm. Quả không sai, những ngày sau đó, nhiều thợ lặn liên tiếp trúng hải sâm, có ngày săn được hơn 150 kg...
Theo thuyền trưởng Lê Túc, nghề lặn hải sâm mỗi năm chỉ ra khơi 5 chuyến. Mỗi chuyến thu về từ 500 - 700 triệu đồng là đã có “của ăn, của để” nhưng nhờ “lộc biển” nên chuyến biển vào tháng 4.2011, tàu của anh đã săn được 1,5 tấn hải sâm, thu về 2,3 tỉ đồng, mỗi bạn chài đi trên tàu bỏ túi 140 triệu đồng.
Tử thần rình rập
Thu nhập cao, nhưng nghề này vô cùng nguy hiểm. Thợ lặn Phan Văn Thành (ở Lý Sơn) theo nghề được hơn 9 năm nói, nghề lặn, nhất là lặn tìm hải sâm do lặn quá sâu, chừng 60 - 70 m nên luôn đối mặt với hiểm nguy, nếu không cẩn thận lập tức bị tai biến, nhẹ thì bị liệt còn nặng thì coi như... bỏ mạng giữa biển.
Theo thợ lặn Thành, thông thường thời gian lặn săn hải sâm mỗi ngày diễn ra từ 6 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Mỗi kíp lặn có 2 người, mỗi người đeo 8 kg chì quanh mình, mắt đeo kính, miệng ngậm dây hơi lặn xuống biển. Thời gian mỗi cú lặn chừng 1 giờ đồng hồ nhưng chỉ ở tối đa dưới đáy biển khoảng 30 phút. Vì thế, những người trên tàu phải canh giờ thật kỹ, sau 20 phút giật dây hơi một lần, đến 30 phút dù thợ lặn có trúng “ổ” hải sâm thì cũng phải bắt buộc kéo lên.
Tất cả các thợ lặn từ đáy biển khi lên mặt nước phải thực hiện nghiêm ngặt công đoạn 3 lần giảm áp. Đó là cứ lên khoảng được 20 m nước phải dừng nghỉ 10 phút. Ngoài ra, trong một ngày, mỗi người chỉ lặn 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 giờ. “Lặn xuống độ sâu 60 - 70 m huyết áp trong người tăng rất nhanh, xuống càng sâu áp suất của nước rất lớn nên người bị cuộn tròn như trái banh nhựa và như muốn nổ tung”, Thành nói.
Thuyền trưởng Lê Túc cho biết thêm, sau khi lên tàu các thợ lặn tuyệt đối không được ăn uống, hút thuốc trong vòng 1 giờ. “Nhiều thợ lặn vì chủ quan, sau khi lên tàu thấy sức khỏe bình thường liền rít hơi thuốc, một lúc toàn thân đau nhức, tê rần. Thế là phải trục xuống biển, giảm áp trở lại. Dù vậy cũng đã xảy ra nhiều trường hợp tử vong”, thuyền trưởng Túc ngậm ngùi nói.
Theo ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND H.Lý Sơn, toàn huyện có khoảng 1.200 thợ lặn. Phương tiện của những người thợ lặn ở Lý Sơn cực kỳ đơn giản, chỉ cần cái kiếng, ngậm ống hơi, quần đùi, áo thun, thậm chí có người để mình trần là có thể lặn xuống đại dương với độ sâu từ 50 - 70 m. Cũng theo ông Nguyên, mỗi năm trên địa bàn huyện có 4 - 5 ngư dân bỏ mạng giữa biển khơi vì hải sâm. Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp bị liệt chân, tay đành giã từ nghề biển.
Gần đây nhất vào đầu tháng 5.2014, trong lúc lặn sâu 70 m để săn tìm hải sâm ở vùng biển quần đảo Trường Sa, do hệ thống cung cấp hơi trên tàu bị trục trặc nên ngư dân Nguyễn Văn Khoa (27 tuổi) đã tử vong dưới biển. Hay như trường hợp thợ lặn Lê Văn Có cũng bỏ mạng giữa biển khơi vì hải sâm khi anh vừa tròn 23 tuổi.
Thoát khỏi “lưỡi hái của tử thần” nhưng nhiều năm qua anh Nguyễn Văn Vui (35 tuổi) bị liệt nửa người, phải ngồi xe lăn quanh quẩn trong nhà. Anh Vui buồn rầu kể, giữa năm 2006, trong một lần lặn tìm hải sâm ở độ sâu gần 40 m, do chủ quan ở dưới biển sâu quá lâu nên lúc lên tàu đầu óc choáng váng, cơ thể bỗng dưng tê cứng. Mặc dù được gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi, tốn kém hàng trăm triệu đồng nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm mà trở thành người tàn phế. “Bước vào nghề lặn phải chấp nhận rủi ro , tử thần thương thì nhờ, còn gọi tên thì chịu. Ranh giới giữa cái sống và cái chết, giữa lành lặn với tàn phế suốt đời mong manh như sợi tóc”, anh Vui thở dài.
Lão ngư Bùi Thượng, người được ngư dân đất đảo mệnh danh là “vua lặn” nói rằng, suốt gần 60 năm mưu sinh dưới đáy đại dương, không biết bao lần ông đã tận mắt chứng kiến nhiều cái chết thương tâm của những người thợ lặn giữa biển khơi hoặc gánh chịu thương tật suốt đời. “Có lẽ tôi là người may mắn nhất ở đảo Lý Sơn, đến khi giã từ nghề lặn sức khỏe vẫn còn tốt, chứ năm nào ở đây cũng có vài ba thợ lặn tử vong, nhiều người bị liệt chỉ nằm một chỗ hoặc nhẹ thì cũng bị chứng “tê tê” hành hạ”, lão ngư Bùi Thượng nói.
Nghề lặn hải sâm đem lại cho nhiều gia đình ngư dân đất đảo Lý Sơn cuộc sống sung túc. Song, mỗi khi tàu rời đảo với chuyến săn hải sâm dài gần 1 tháng là cũng từng ấy thời gian, người thân ở đất liền luôn cầu mong trời yên biển lặng để chồng, con ngoài khơi xa gặp nhiều may mắn, bình an trở về nhà.
Hiển Cừ
>> Một ngư dân tử nạn vì lặn hải sâm
>> Bất chấp hiểm nguy vì… hải sâm
>> Trúng đậm hơn 2 tỉ đồng hải sâm
>> Phát hiện hải sâm kỷ lục Việt Nam
Bình luận (0)