MV nhạc Việt: 'Truyện' lấn át âm nhạc

06/05/2020 06:00 GMT+7

Hiện tại, giới ca sĩ Việt đang cạnh tranh nhau bằng việc phát hành MV, chạy theo lượt xem trên YouTube. Đáng nói với các MV này, nhiều khán giả cũng như giới chuyên môn cho rằng phần nhìn lấn át phần nghe.

Khi phần nhìn hơn phần nghe

Gần đây, ca sĩ Phương Thanh chia sẻ xu hướng làm MV (video ca nhạc) hiện tại ở thị trường nhạc Việt đã thu hút sự quan tâm của nhiều nghệ sĩ cũng như cộng đồng mạng. Phương Thanh cho biết: “Có 2 cách làm MV cơ bản: Một là bài hát nghe ổn - nhưng hình ảnh phải cực kỳ drama, kịch tính trong câu chuyện MV (cho giọng hát không tốt lắm). Hai là bài hát hay tập trung cho người nghe là chính - hình ảnh vừa đủ không lấn át bài hát (cho người hát tốt)”. Cô bày tỏ băn khoăn nên làm theo hướng nào khi thị trường đang ngập tràn những MV drama (có câu chuyện như phim). Cuối cùng, Phương Thanh đã chọn cách sẽ làm MV hướng đến phần nghe nhiều hơn vì “hình ảnh câu chuyện drama sẽ khiến khán giả không chú ý đến bài hát, phần âm nhạc của ca khúc”.
Quả thật, thời gian qua, thị trường nhạc Việt nở rộ xu hướng làm MV theo khuynh hướng drama với những tình tiết gay cấn làm tăng sự tò mò cho khán giả, những câu chuyện tình tay ba đẫm nước mắt… Dù tạo được hiệu ứng mạnh, có lượt xem (view) cao, nhưng các sản phẩm âm nhạc này bị đánh giá quá tập trung vào việc xây dựng kịch bản nên phần ca khúc trở nên nhạt nhòa. Việc lạm dụng yếu tố drama trong MV khiến phần “truyện” của MV át cả phần nhạc vốn là điều chính yếu cần có của một sản phẩm âm nhạc.
Trước đây, mỗi sản phẩm âm nhạc ra mắt của hầu hết ca sĩ chỉ dài tối đa 5 phút để người xem vừa đủ “ngấm” nhạc và cũng đủ để thưởng thức câu chuyện trong MV. Thế nhưng hiện tại, ca sĩ nào cũng chạy theo sản xuất những MV nặng về drama với xu hướng thời lượng dài như một bộ phim ngắn. Trong đó phải kể đến loạt MV của ca sĩ chuyển giới Hương Giang gồm Anh đang ở đâu đấy anh, Em đã thấy anh cùng người ấy, Anh ta bỏ em rồi, Tặng anh cho cô ấy... có độ dài hơn 12 phút kể câu chuyện về người thứ ba với drama đan xen “ngộp thở”. Ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân cũng liên tục tung ra các MV Màu nước mắt, Tự tâm, Canh ba… tràn ngập các cú twist (cái kết bất ngờ kiểu phim điện ảnh); Miu Lê với Giá như cô ấy chưa xuất hiện, Amee với Trời giấu trời mang đi, Dương Hoàng Yến với Không phải em đúng không, Tình cũ bao giờ cũng tốt hơn… và nhiều ca sĩ khác cũng đổ xô thực hiện MV dài 10 phút cho một bài hát vốn chỉ 4 phút. Điều này như “con dao hai lưỡi” vì khiến khán giả có cảm giác bị mệt khi bài hát bị kéo dài thời lượng. Hơn nữa, ca khúc trong những MV này không liền mạch, hát vài câu thì dừng lại, để các ca sĩ hay nhân vật trong MV đọc lời thoại, khiến âm nhạc gãy ngang trong cảm xúc của người nghe.
MV nhạc Việt: 'Truyện' lấn át âm nhạc1

MV Em đã thấy anh cùng người ấy của ca sĩ Hương Giang

Giá trị sau cuối còn ở lại với khán giả vẫn là một MV chất lượng, một bài hát có thể nghe được nhiều, có đời sống lâu dài trên sân khấu chứ không chỉ MV hình ảnh nổi nhất thời trên mạng

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong

Âm nhạc phải là cốt lõi

Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy cho rằng: “Thời buổi bây giờ đa số người trẻ muốn xem drama của giới nghệ sĩ dù là trong MV, và ca sĩ giọng hát yếu vẫn được triệu view trên mạng. Tuy nhiên, MV vốn để tôn vinh, quảng bá bài hát, và ca sĩ là phải hát hay. Vì thế đừng kéo dài ca khúc một cách gượng ép khi lồng quá nhiều thoại, diễn xuất vào MV nhạc”.
Tất nhiên, dù trong xu hướng đang nở rộ kiểu làm MV “nhìn lấn át nghe”, thì cũng có nhiều ca sĩ mạnh dạn làm MV tập trung chính vào âm nhạc của ca khúc đó. Như ca sĩ Hồ Ngọc Hà với MV Bức thư để lại - sáng tác bởi nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, nhạc sĩ trẻ Trần Dũng Khánh và nhóm nhạc sĩ DTAP, xây dựng hình ảnh MV đúng thời lượng ca khúc nên khán giả cảm nhận được chất nhạc R&B mới mẻ mà nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong đã dụng công cho ca khúc này, cũng như cách hát sở trường với thể loại âm nhạc này của Hồ Ngọc Hà. Ca - nhạc sĩ Vũ Cát Tường khi tung ra MV Có người cũng làm nổi bật chất nhạc của ca khúc. Khán giả Huỳnh Hạnh (TP.HCM) khi xem MV này đã bình luận: “Không drama, chiêu trò câu view, MV Có người của Vũ Cát Tường giản dị như ca từ của chính ca khúc. Giản dị nhưng không mờ nhạt chút nào, xem thấm. Đối với tôi, một MV ca nhạc đúng nghĩa thì phần âm nhạc phải là cốt lõi, trọng tâm, những thứ khác chỉ nên làm nền để tôn phần nhạc thôi, chứ không phải kiểu MV ca nhạc mà lại giống như một bộ phim ngắn lồng nhạc”.
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong thì nêu ý kiến: “Đúng là thời thế, thị hiếu của khán giả đã khác, không còn theo hình thức chính thống như trước là các ca sĩ sẽ ra một album nhạc, hay mỗi lần ra MV mới là để khẳng định màu sắc, phong cách âm nhạc của riêng mình. Tôi không cổ súy cũng như không bài xích các MV dài như một cuốn phim bởi như thế nhạc Việt mới đa dạng, muôn màu muôn vẻ. Tuy nhiên, nên dung hòa được cả phần nghe lẫn phần nhìn mới là nhiệm vụ của một sản phẩm nghệ thuật cần làm. Bởi giá trị sau cuối còn ở lại với khán giả vẫn là một MV chất lượng, một bài hát có thể nghe được nhiều, có đời sống lâu dài trên sân khấu chứ không chỉ MV hình ảnh nổi nhất thời trên mạng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.