Mô phỏng tên lửa bội siêu thanh của hãng Raytheon (Mỹ) |
reuters |
Tờ Nikkei Asia ngày 6.4 đưa tin Mỹ, Anh và Úc thông báo hợp tác phát triển tên lửa bội siêu thanh và công nghệ tác chiến điện tử, trong bối cảnh liên minh 3 nước (AUKUS) tìm cách đối phó sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
Liên minh an ninh này sẽ “khởi đầu một sự hợp tác 3 bên mới về bội siêu thanh và chống bội siêu thanh, năng lực tác chiến điện tử, cũng như tăng cường chia sẻ thông tin về củng cố hợp tác về sáng tạo trong lĩnh vực phòng vệ”, theo thông cáo của 3 bên.
“Những sáng kiến này sẽ bổ sung vào nỗ lực hiện có của chúng tôi nhằm củng cố hợp tác về năng lực không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và năng lực ngầm dưới biển”, theo AUKUS.
Vũ khí bội siêu thanh đang thu hút sự chú ý trong cuộc đua phát triển vũ trang, với Nga tuyên bố đã sử dụng trong chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng trước. Mỹ và Úc đã cam kết phối hợp phát triển công nghệ này và nay có thêm Anh gia nhập.
Mỹ bí mật phóng thử tên lửa bội siêu thanh |
Thông cáo trên cho biết quy mô hợp tác có thể mở rộng để mời thêm những nước khác.
“Trong khi công việc của chúng tôi tiến triển về những năng lực quốc phòng và an ninh trọng yếu này và những lĩnh vực khác, chúng tôi sẽ tìm kiếm cơ hội tham gia cùng các đồng minh và đối tác thân cận”, theo thông cáo.
Liên minh cũng nói rõ về sự tập trung vào khu vực này sẽ không bị ảnh hưởng, trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine làm gia tăng căng thẳng địa chính trị.
“Chúng tôi tái khẳng định cam kết với AUKUS và Indo-Pacific tự do và rộng mở”, thông cáo nêu rõ và nhắc lại về cam kết đối với hệ thống quốc tế “tôn trọng quyền con người, luật pháp và giải pháp hòa bình đối với tranh chấp mà không có sự cưỡng ép”.
Liên minh AUKUS được công bố vào tháng 9.2021 bởi Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Úc Scott Morrison, khi Úc đồng ý mua tàu ngầm năng lượng hạt nhân sử dụng công nghệ Mỹ hoặc Anh.
Úc ký thỏa thuận tiếp cận công nghệ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và Anh |
Theo AFP, Nga, Trung Quốc, Mỹ và CHDCND Triều Tiên đều đã thử tên lửa bội siêu thanh. Bên cạnh khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa bội siêu thanh còn có khả năng bay nhanh hơn tốc độ âm thanh từ 5 lần (Mach 5, tương đương 6.174 km/giờ) trở lên và thao tác tránh bị đánh chặn.
Cơ quan Nghiên cứu quốc hội Mỹ (CRS) cho rằng các nước khác như Pháp, Đức, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng nghiên cứu cơ bản về công nghệ bội siêu thanh, còn Nga là nước phát triển nhất trong lĩnh vực này, trong khi Trung Quốc cũng đang ráo riết phát triển.
Bình luận (0)