Trong số tổ chức bị trừng phạt có Nhà máy đóng tàu mang tên Gorky ở CH Tatarstan, Nga. Hãng tin TASS ngày 21.3 đưa tin, giới chức CH Tatarstan cho hay lệnh trừng phạt của Mỹ không ảnh hưởng đến sự bình ổn của Nhà máy đóng tàu Gorky, theo bộ phận báo chí của Tổng thống Tatarstan.
Toan tính làm suy yếu ngành công nghiệp quân sự Nga
Trước đó, ngày 25.11.2018, ba tàu tuần tra của Ukraine khi từ Biển Đen băng qua eo biển Kerch để vào biển Azov nằm giữa Ukraine và Nga đã bị lực lượng biên phòng Nga bắt giữ với cáo buộc vi phạm lãnh hải Nga. Vụ việc đã gây căng thẳng giữa hai nước, và Mỹ cũng như châu Âu tuyên bố sẽ áp thêm các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga sau khi đã từng áp các lệnh tương tự khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2014.
Ngày 15.3 qua, Bộ Tài chính Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào 6 cá nhân và 8 tổ chức của Nga. Trong số 6 cá nhân có ông Gennady Medvedev, Phó Giám đốc Cơ quan Biên phòng (thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga - FSB). 8 tổ chức bị áp lệnh trừng phạt bao gồm các hãng đóng tàu lớn và các công ty cung ứng thiết bị đóng tàu, trong số này có nhà máy đóng tàu mang tên Gorky ở Zelenodolsk, CH Tatarstan. Nhà máy này là nơi đóng các chiến hạm lớp Gepard 3.9 cho Hải quân Việt Nam, và cũng là nơi đóng các tàu tên lửa cỡ nhỏ đã phóng tên lửa Kalibr từ biển Caspi bay hơn 1.500 km tiêu diệt các căn cứ của IS ở Syria thời gian qua.
Việc áp lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu lên các công ty của Nga sẽ gây khó khăn cho các công ty này khi tiếp cận các nguồn vốn vay và công nghệ, thiết bị của các hãng phương Tây. Thậm chí các ngân hàng phương Tây có thể đóng băng tài khoản các hãng của Nga trong giao dịch xuất khẩu. Lệnh trừng phạt này của Mỹ được truyền thông Nga cho là muốn nhằm làm suy yếu ngành công nghiệp đóng tàu quân sự của Nga, gây khó cho việc xuất khẩu vũ khí của Nga.
|
Báo Business Online của CH Tatarstan ngày 16.3 có bài viết cho rằng Nhà máy đóng tàu mang tên Gorky bị phía Mỹ áp lệnh trừng phạt là do 2 nguyên nhân. Thứ nhất, nhà máy này là nơi cung cấp nhiều tàu vũ trang cho Hải quân Nga và Cơ quan an ninh LB Nga. Đây là nhà máy đóng các tàu tên lửa cỡ nhỏ nhưng trang bị hệ thống tên lửa Kalibr vốn có tầm bắn xa hơn 1.500 km (lớp tàu Dự án 21631 Buyan-M, tàu tuần tra Dự án 22800 Karakurt), và tàu hộ tống lớp Gepard 3.9 (Dự án 11661, lớp tàu này đã đóng 4 chiếc cung cấp cho Hải quân Việt Nam).
Nguyên nhân thứ hai, do nhà máy Gorky được giao tiếp quản nhà máy đóng tàu Zaliv của Ukraine tại Crimea sau khi sáp nhập vào Nga từ năm 2014. Nhà máy này chuyên sản xuất các phần của khoang điều khiển tàu và các cấu trúc trên boong với các chất liệu hợp kim đặc biệt giúp tàu chiến có thêm khả năng tàng hình trước radar. Các cấu trúc này được cho là có trang bị cho lớp tàu chiến Gepard 3.9.
Nhiều ý kiến cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khiến các nhà máy đóng tàu của Nga thêm khó khăn khi thời gian qua một số tàu hải quân Nga đang đóng đã không được bàn giao đúng hạn do đối tác nước ngoài không cung cấp thiết bị như đã cam kết. Điển hình là từ năm 2014, tập đoàn Đức MTU ngừng cung cấp động cơ diesel cho nhà máy Gorky để lắp cho lớp tàu tên lửa Dự án 21631, tập đoàn MAN của Đức ngừng bán động cơ turbin khí cho lớp tàu Dự án 22160 cũng của Nhà máy Gorky. Nhà máy này buộc phải sử dụng động cơ do Trung Quốc cung cấp và sau này là của các hãng khác tại Nga.
Cũng cần nhắc thêm là việc đóng cặp chiến hạm Gepard 3.9 thứ hai của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng khi phía Ukraine từ chối cung cấp động cơ cho nhà máy Gorky như đã thoả thuận trước đó để trang bị cho cặp tàu chiến của Việt Nam. Sau đó nhờ sự can thiệp từ phiá Việt Nam mà Ukraine đã cung cấp động cơ để nhà máy Gorky lắp vào cặp tàu chiến này.
|
Giảm thiểu tác động vì đã có chuẩn bị từ trước
Trả lời phỏng vấn Business Online, ông Andrei Frolov, tổng biên tập tạp chí Xuất khẩu vũ khí (Nga) nhận xét rằng lệnh trừng phạt của phía Mỹ có tác động đến tiềm năng xuất khẩu của Nhà máy đóng tàu Gorky. Chẳng hạn các nước như Sri Lanka, Malaysia rất quan tâm đến lớp tàu chiến Gepard 3.9 mà Nhà máy đã cung cấp cho Việt Nam, Algeria với lớp tàu tuần tra thuộc Dự án 22160. Với việc Mỹ áp lệnh trừng phạt, các khách hàng tiềm năng nói trên có thể phải suy nghĩ lại về việc đặt mua tàu chiến của Nhà máy Gorky vì Mỹ đang gây sức ép với các nước mua vũ khí Nga.
Với trường hợp Việt Nam đã đặt mua 2 chiến hạm Gepard 3.9 từ năm 2006 và đến năm 2012 đặt mua tiếp 2 chiếc nữa, đến nay đã nhận đủ 4 chiếc và nhiều thông tin cho rằng Việt Nam đang xem xét đặt đóng thêm cặp tàu Gepard thứ ba. Khi Business Online hỏi liệu việc đặt mua này có bị ảnh hưởng, ông Frolov cho rằng mọi việc sẽ tốt đẹp nếu hai bên đạt được hợp đồng. Lý do là tuy Mỹ dọa trừng phạt các nước mua vũ khí của Nga nhưng lại không áp dụng biện pháp này với 3 nước Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia.
Ông Frolov cũng cho rằng trong mọi trường hợp, tác động của các lệnh trừng phạt từ Mỹ tuy có ảnh hưởng nhưng Nhà máy đóng tàu Gorky đã có các biện pháp hạn chế tác động đó đến mức tối thiểu. Ông cũng đề xuất chính quyền nên có các biện pháp hỗ trợ cho Nhà máy, như giảm thuế, tăng đặt hàng các loại tàu thuyền dân dụng, và ngành công nghiệp Nga nên tự lực sản xuất mọi thứ cần dùng như thời Liên Xô để khỏi lệ thuộc các nguồn cung cấp từ nước ngoài.
Bình luận (0)