Mỹ bàn về IS, Iran với tân vương Ả Rập Xê Út

28/01/2015 10:59 GMT+7

(TNO) Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dẫn đầu một phái đoàn quan chức cấp cao đến Ả Rập Xê Út vào hôm 27.1 thảo luận về cuộc chiến chống Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), tình hình Iran với tân vương Salman.

(TNO) Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dẫn đầu một phái đoàn quan chức cấp cao đến Ả Rập Xê Út vào hôm 27.1 thảo luận về cuộc chiến chống Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), tình hình Iran với tân vương Salman.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman (phải) trò chuyện tại dinh Erga ở Riyadh vào hôm 27.1 - Ảnh: Reuters

Một quan chức cấp cao Mỹ nói với AFP rằng lãnh đạo 2 nước đã bàn về chương trình hạt nhân của Iran và tình hình nhân quyền tại Ả Rập Xê Út.

Ông Obama và Quốc vương Salman đã bàn về “chiến dịch chống IS … sự cần thiết của việc viện trợ cho phe nổi dậy tại Syria và sự cần thiết trong việc thống nhất Iraq”, vị này cho hay.

Ả Rập Xê Út có tham gia vào liên quân không kích IS do Mỹ dẫn đầu từ hồi năm 2014 và là đồng minh lâu năm trong khu vực của Washington, theo AFP.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đã xuất hiện sự thất vọng từ phía Ả Rập Xê Út đối với Mỹ khi Washington không can thiệp vào khủng hoảng tại những nơi khác, chẳng hạn như Yemen và Libya.

Hiện có những hoài nghi tại Ả Rập Xê Út về việc ông Obama theo đuổi đàm phán hạt nhân với Iran, quốc gia thù địch của vương quốc này. Lãnh đạo Iran là người Hồi giáo dòng Shiite, còn tín đồ Hồi giáo dòng Sunni chiếm đại đa số tại Ả Rập Xê Út.

Nguồn tin của AFP còn cho biết ông Obama có đề cập “chung” đến chủ đề nhân quyền tại Ả Rập Xê Út, nhưng không nhắc đến trường hợp blogger Raef Badawi, người bị phạt 1.000 roi vì tội phỉ bán đạo Hồi. Đây cũng là trường hợp nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế, theo AFP.

Đoàn quan chức lưỡng viện Mỹ đến Ả Rập Xê Út bao gồm 29 thành viên, trong đó có quan chức thời cựu Tổng thống George Bush, và những người này muốn được thể hiện sự ủng hộ đối với quan hệ Mỹ-Ả Rập Xê Út, AFP cho hay.

“Điều quan trọng là chúng ta phải cho người Ả Rập Xê Út thấy tầm quan trọng của họ đối với chúng ta”, ông James Baker, cựu ngoại trưởng Mỹ thời Chiến tranh Vùng Vịnh, cho biết.

“Lúc này là thời điểm tối quan trọng và nhạy cảm tại Trung Đông. Mọi thứ dường như đang sụp đổ. Và quốc gia ổn định như Ả Rập Xê Út dường như trở thành là ốc đảo trong khu vực này”, ông Baker nhận định.

Truyền hình Ả Rập Xê Út truyền tải hình ảnh Quốc vương Salman, 79 tuổi, chào đón ông Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle từ một lối đi được trải thảm đỏ.

Trái ngược với phụ nữ Ả Rập Xê Út, vốn bị bắt buộc phải mặc trang phục trùm kín từ đầu đến chân, bà Obama mặc một chiếc quần màu tối, một cái áo xanh da trời và để đầu trần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.