Mỹ bất ngờ hủy kế hoạch buộc du học sinh về nước vì học online

15/07/2020 07:37 GMT+7

Chính phủ Mỹ hủy kế hoạch buộc du học sinh về nước nếu học trực tuyến hoàn toàn, sau làn sóng chỉ trích và kiện tụng từ các trường.

Hãng Reuters ngày 15.7 đưa tin chính phủ Mỹ bất ngờ hủy kế hoạch có thể khiến hàng chục ngàn du học sinh phải về nước, sau làn sóng chỉ trích và áp lực từ các trường đại học và doanh nghiệp.
Trước đó, cơ quan chức năng Mỹ hôm 6.7 thông báo về việc các du học sinh có thể bị hủy thị thực và phải về nước nếu chỉ học trực tuyến vì Covid-19.

Chính phủ Donald Trump đổi ý, không buộc du học sinh về nước nếu trường dạy trực tuyến

Chính phủ cho hay sẽ hủy kế hoạch trước làn sóng kiện tụng từ các trường đại học. Trong khi đó, một quan chức cấp cao tại Bộ An ninh Nội địa cho biết chính phủ vẫn dự định ra quy định trong vài tuần tới liên quan đến việc du học sinh có được ở lại hay không nếu các lớp học chuyển sang trực tuyến.
Có hơn 1 triệu sinh viên nước ngoài tại các trường đại học Mỹ và nhiều trường có nguồn thu chính từ sinh viên nước ngoài, vốn thường trả học phí toàn phần.
Nhiều trường như Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts và liên minh chính quyền nhiều bang đâm đơn kiện sau khi Mỹ đưa ra thông báo hôm 6.7.
Đại học Harvard dự định sẽ tổ chức dạy hoàn toàn trực tuyến trong năm học tới. Tổng thống Donald Trump chỉ trích kế hoạch của trường và muốn các trường trên cả nước mở cửa lại.
Tại phiên tòa ngày 14.7, thẩm phán Allison Burroughs tại Massachusetts cho hay chính phủ Mỹ và 2 trường đại học danh giá đã dàn xếp về việc hủy kế hoạch buộc du học sinh về nước nếu chỉ học trực tuyến. Phiên tòa kéo dài chưa đầy 4 phút.

Mở cửa trường học giữa dịch Covid-19 là chiến lược lấy lòng cử tri của Tổng thống Trump?

Trong khi đó, quan chức Bộ An ninh Nội địa cho hay cơ quan chức năng vẫn đang thảo luận về các quy định trong tương lai. Cụ thể, họ vẫn chưa quyết định về việc có đối xử khác biệt giữa du học sinh đang ở Mỹ và những người đang muốn đến lần đầu hay không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.