Mỹ bất ngờ nói chiến đấu cơ F-16 đang trên đường đến Ukraine

10/07/2024 21:17 GMT+7

Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bất ngờ cho biết các máy bay chiến đấu F-16 hiện đang trên đường tới Ukraine.

Hãng Reuters ngày 10.7 dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các máy bay chiến đấu F-16 hiện đang trên đường tới Ukraine từ Đan Mạch và Hà Lan, đồng thời cho biết thêm chúng sẽ bay trên bầu trời Ukraine vào mùa hè này.

Phát biểu tại một sự kiện bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington DC (Mỹ), ông cho biết một gói viện trợ "cực kỳ mạnh mẽ" dành cho Ukraine sẽ được công bố trong vài ngày tới, nhằm xây dựng một cầu nối rõ ràng và vững chắc cho tư cách thành viên NATO của Ukraine.

Mỹ bất ngờ nói chiến đấu cơ F-16 đang trên đường đến Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảm ơn Mỹ, Đan Mạch và Hà Lan, đồng thời cho rằng những chiếc F-16 sẽ "mang công lý và hòa bình lâu dài đến gần hơn", theo AFP. Trong khi đó, phía Nga chưa lập tức đưa ra bình luận.

Cùng ngày, chính phủ Na Uy ra thông cáo cho hay nước này sẽ viện trợ 6 chiếc F-16 cho Ukraine.

Mỹ bất ngờ nói chiến đấu cơ F-16 đang trên đường đến Ukraine- Ảnh 1.

Một chiếc F-16 của Không quân Na Uy tham gia sứ mệnh tuần tra của NATO ở vùng Baltic

REUTERS

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre cho biết việc bàn giao F-16 dự kiến bắt đầu trong năm nay. "Kết hợp với các hệ thống phòng không, các máy bay chiến đấu sẽ rất quan trọng để giúp người Ukraine tự vệ trước các cuộc tấn công trên không của Nga", ông phát biểu.

Trước đó vào tháng 8.2023, ông đã tuyên bố rằng Na Uy sẽ viện trợ F-16 cho Ukraine, nhưng chưa nói bao nhiêu chiếc. Kể từ đó, Na Uy đã gửi 2 chiếc F-16 sang Đan Mạch để giúp huấn luyện các phi công Ukraine.

F-16 đã nằm trong danh sách mong muốn của Ukraine từ lâu. Máy bay chiến đấu này được trang bị pháo 20 mm và có thể mang bom và tên lửa.

Hiện Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy cam kết cung cấp cho Ukraine hơn 60 tiêm kích F-16 do Mỹ viện trợ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3 đã cảnh báo các nước phương Tây không nên cho phép chính quyền Kyiv mượn căn cứ không quân để chứa máy bay F-16, nếu không muốn những căn cứ đó trở thành mục tiêu tấn công hợp pháp của quân đội Nga.

Nhà lãnh đạo thêm rằng do F-16 có thể mang theo vũ khí hạt nhân, nên Nga sẽ cân nhắc yếu tố này trong lúc hoạch định hoạt động tác chiến.

Giới quan sát cho rằng F-16 trên tiền tuyến Ukraine sẽ phải đối mặt với một số thách thức từ Nga như hệ thống tên lửa phòng không S-300 và S-400, chiến đấu cơ Su-35 và MiG-25 được trang bị tên lửa R-37 tầm xa, hệ thống radar và cảnh báo sớm có thể phát hiện mối đe dọa từ xa.

Ba Lan có thể bắn hạ tên lửa Nga ở Ukraine?

Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng F-16 có thể hỗ trợ ngăn chặn kho vũ khí phòng không mạnh mẽ của Nga và thực hiện các nhiệm vụ áp chế phòng không đối phương (SEAD), cũng như phá hủy hệ thống phòng không của đối phương (DEAD).

Trong một diễn biến khác, Reuters ngày 10.7 dẫn một nguồn tin cho hay các thành viên NATO đã đồng ý về một tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh, trong đó bao gồm cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine "trên con đường không thể đảo ngược về hội nhập châu Âu – Đại Tây Dương, trong đó có việc kết nạp vào NATO".

Tuyên bố tiếp tục tái khẳng định rằng NATO sẽ "có thể đưa ra lời mời Ukraine gia nhập liên minh khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.