Ngoài Ấn Độ, báo cáo gửi lên Quốc hội Mỹ còn bao gồm năm quốc gia nằm trong danh sách giám sát tiền tệ từ tháng 10.2017 là Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thụy Sĩ. Năm nước này vẫn nằm trong hai chu kỳ báo cáo để “đảm bảo rằng bất kỳ cải thiện nào so với các tiêu chí đều bền vững và không phải do các yếu tố tạm thời”.
Mặc dù không có nước nào trong số các nước trên được xác định là thao túng tiền tệ, nhưng các nước đó vẫn đáp ứng hai trong ba tiêu chí theo dõi. Cụ thể, Mỹ giám sát tiền tệ Trung Quốc vì nước này chiếm tỷ lệ không cân xứng trong tổng thâm hụt thương mại của Mỹ.
Theo số liệu của chính phủ Mỹ, thâm hụt thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2017 là 337 tỉ USD, trong khi đó tổng thâm hụt thương mại toàn cầu của Mỹ là 566 tỉ USD.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và chống lại các hành vi tiền tệ không công bằng, đồng thời khuyến khích các chính sách và cải cách hướng tới giải quyết sự mất cân bằng thương mại”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói.
Được biết Quốc hội đã yêu cầu Kho bạc Mỹ thực hiện báo cáo này để xác định những nước đang cố gắng tìm cách để đồng tiền của họ có được lợi thế thương mại, ví dụ bằng cách giữ tỷ giá hối đoái thấp để thúc đẩy xuất khẩu.
Theo báo cáo, Ấn Độ, quốc gia có thặng dư thương mại đạt 23 tỉ USD với Mỹ, đã “tăng mua ngoại hối trong ba quý đầu năm 2017”, mặc dù đồng rupee vẫn tăng giá trị.
Việc Đức nằm trong danh sách theo dõi, mặc dù là một phần của Liên minh châu Âu, cho thấy Đức không thể độc lập kiểm soát được tỷ giá hối đoái đối với đồng euro. Báo cáo cũng ghi nhận Đức “có thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất thế giới” và “không có nhiều tiến bộ trong việc giảm thặng dư lớn trong ba năm qua”.
Bình luận (0)