Mỹ cam kết duy trì hiện diện quân sự bảo vệ 3 nước Baltic sát nách Nga

Mỹ cam kết duy trì hiện diện quân sự bảo vệ 3 nước Baltic sát nách Nga

18/02/2023 09:36 GMT+7

Ngày 16.2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết nước này sẵn sàng bảo vệ 3 quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania nếu được yêu cầu, và sẽ duy trì hiện diện quân sự tại khu vực.

Phát biểu tại Tallinn, thủ đô Estonia, sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo nước này, ông Austin cho biết Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hiện diện quân sự "liên tục, luân phiên" tại khu vực Baltic.

Ông nói “Chúng tôi cam kết với Điều 5, quý vị có thể chắc chắn như vậy”. Điều 5 trong Hiến chương NATO yêu cầu các thành viên của liên minh phải bảo vệ lẫn nhau nếu một trong số họ bị tấn công.

"Mỹ vẫn kiên định với cam kết bảo vệ tự do và chủ quyền của các đồng minh vùng Baltic", quan chức hàng đầu Lầu Năm Góc nói trong cuộc họp báo.

Ba quốc gia vùng Baltic, láng giềng của Nga và Belarus, từng thuộc Liên Xô nhưng hiện là một phần của NATO và Liên minh châu Âu (EU).

Mỹ sẵn sàng bảo vệ các nước Baltic, duy trì hiện diện quân sự ở khu vực - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tham dự họp báo ở Tallinn (Estonia), ngày 16.2.2023

REUTERS

Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cho biết nước này đang "làm việc để ngăn chặn" khả năng bị tấn công nếu Nga không dừng lại ở Ukraine.

Ông Pevkur phát biểu "Răn đe là từ khóa duy nhất ở đây. Đây chính là lý do tại sao NATO đang đưa ra các kế hoạch phòng thủ khu vực mới với hy vọng sẽ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius [thủ đô Lithuania] vào tháng 7".

Kể từ năm 2019, Mỹ đã triển khai các nhóm gồm khoảng 500 binh sĩ và khí tài theo chế độ luân phiên ở Lithuania. Tháng 12.2022, Washington đã công bố triển khai một trung đội hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và một đại đội bộ binh ở Estonia.

NATO đã triển khai ba tiểu đoàn đa quốc gia ở mỗi quốc gia Baltic kể từ năm 2017. Sự hiện diện thường trực của các binh sĩ luân phiên này đóng vai trò "dây dẫn" cho phản ứng có quy mô lớn hơn nếu Nga xâm chiếm lãnh thổ NATO.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.