Mỹ cấm phê duyệt thiết bị Huawei và ZTE mới

14/10/2022 17:30 GMT+7

Mỹ đang cho thấy đường lối cứng rắn hơn đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc khi thắt chặt hạn chế mới nhất về chất bán dẫn và viễn thông.

South China Morning Post dẫn báo cáo của các phương tiện truyền thông và chuyên gia trong ngành cho biết Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) sẽ chính thức cấm phê duyệt thiết bị viễn thông mới của Huawei và ZTE vì lý do an ninh quốc gia. Hiện vấn đề đang được các ủy viên FCC bỏ phiếu và được nhiều người mong đợi sẽ thông qua.

Thiết bị của Huawei và ZTE đã phải đối mặt với nhiều hạn chế kể từ khi bị chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thêm vào danh sách đen thương mại hồi năm 2019

Reuters

“FCC vẫn cam kết bảo vệ an ninh quốc gia bằng cách đảm bảo rằng những thiết bị liên lạc không đáng tin cậy sẽ không được phép sử dụng trong biên giới của chúng ta và chúng tôi đang tiếp tục công việc đó ở đây”, Chủ tịch FCC Jessica Rosenworcel nói trong một tuyên bố.

Thiết bị của Huawei và ZTE đã phải đối mặt với nhiều hạn chế kể từ khi bị chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thêm vào danh sách đen thương mại hồi năm 2019, theo đó các công ty Mỹ không được phép kinh doanh với các nhà cung cấp mạng Trung Quốc nếu không có sự miễn trừ.

Cộng đồng quốc phòng Mỹ cho rằng hệ thống mạng của Trung Quốc, đặc biệt là những hệ thống liên quan đến khả năng truyền dẫn vô tuyến, có thể được sử dụng cho hoạt động gián điệp. “Đây là bước cuối cùng để đưa thiết bị từ các nhà cung cấp không đáng tin cậy ra khỏi mạng của Mỹ. Có những lo ngại cho rằng những thiết bị này sẽ được dùng để theo dõi người Mỹ bằng cách thu thập và lấy dữ liệu. Hơn nữa, mỗi thiết bị như vậy còn có nguy cơ như một phương tiện tấn công mạng tiềm ẩn”, ông Martijn Rasser thuộc Trung tâm An ninh Mỹ nói.

Tập đoàn truyền thông Axios, đơn vị đầu tiên đưa tin về vấn đề, cho biết đây sẽ là lần đầu tiên FCC cấm thiết bị điện tử vì lý do an ninh quốc gia. Lệnh cấm được đưa ra cùng thời điểm chính quyền Washington ngày càng nỗ lực tạo ra các rào cản và hạn chế quyền truy cập của Trung Quốc vào 5G, cũng như các mạng và công nghệ tiên tiến khác của phương Tây, vì lo ngại về mối đe dọa kinh tế, quân sự mà Bắc Kinh đặt ra.

Mỹ hôm 12.10 đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới xác định Bắc Kinh là mối quan tâm địa chính trị lớn. Tuần trước, Bộ Thương mại và Bộ Quốc phòng Mỹ ban hành một loạt hạn chế và cập nhật danh sách đen nhằm giữ chất bán dẫn tiên tiến của Mỹ không bị Trung Quốc tiếp cận. Tháng 8.2022, Mỹ đã thông qua đạo luật Chips và Khoa học nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh về chất bán dẫn của nước này.

“Không phải ngẫu nhiên mà FCC chuẩn bị các lệnh cấm ngay sau khi chính phủ Mỹ hạn chế quyền truy cập của Trung Quốc vào chất bán dẫn. Nhà Trắng đang xây dựng hiệu quả các ‘bức tường’ xung quanh công nghệ và thị trường mà Trung Quốc cần nhưng Mỹ kiểm soát”, ông Abishur Prakash thuộc Center for Innovating the Future ở Toronto, Canada, nói. Theo ông Prakash, động thái mới sẽ buộc chính quyền và các công ty Trung Quốc tập trung vào việc xây dựng hệ thống công nghệ “không có Mỹ” hoặc tranh giành những thị trường “không nằm trong kiểm soát của Washington”.

Hiện Huawei, ZTE và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Tuy nhiên, hai công ty đã nhiều lần phủ nhận việc hệ thống của họ không an toàn hoặc được dùng để làm gián điệp. Đầu năm nay, Đại sứ quán Trung Quốc cho biết FCC đã “lạm dụng quyền lực nhà nước và tấn công các nhà khai thác viễn thông Trung Quốc mà không có cơ sở thực tế”.

FCC thường xem xét đơn đặt hàng mới theo một trong hai cách. Một là chủ tịch sẽ trình bày chúng trong cuộc họp công khai hằng tháng của cơ quan, thường được áp dụng cho các vấn đề thường xuyên. Hai là đơn hàng mới có thể gửi riêng đến năm ủy viên của FCC để họ bỏ phiếu theo ý muốn, thường xảy ra trong các vấn đề gây tranh cãi. Lệnh cấm Huawei và ZTE thuộc cách thứ hai.

Về lý thuyết, nếu bên bị cấm đưa ra biện pháp bảo vệ thỏa đáng giúp Washington tin tưởng rằng thiết bị của họ và các thiết bị mạng khác do Trung Quốc sản xuất không phải là “đường dẫn” cho hoạt động gián điệp, thì lệnh cấm có thể được đảo ngược. “Tuy nhiên, điều đó sẽ không xảy ra một cách kỳ diệu. Đưa ra lệnh cấm là điều mà FCC sẽ phải làm. Không để bất cứ điều gì xảy ra sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc đảo ngược chính sách”, Jeffrey Carlisle, luật sư viễn thông của công ty luật Lerman Senter ở Washington, nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.