(TNO) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter quan ngại sâu sắc những nỗ lực bồi đắp trái phép trên Biển Đông, đồng thời cảnh báo khả năng quân sự hóa ở Biển Đông làm tăng nguy cơ xung đột trong khu vực, theo Reuters ngày 8.11.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo nguy cơ xung đột do hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông - Ảnh: Reuters |
Phát biểu ở một diễn đàn quốc phòng tổ chức tại bang California ngày 7.11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter bày tỏ lo ngại đối với hoạt động bồi đắp trên Biển Đông. Ông nói: “Mỹ cùng các nước khác trong khu vực đang quan ngại sâu sắc về quy mô và tiến độ bồi đắp trên Biển Đông”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc đã cải tạo đất rất nhiều so với bất cứ nước khác trong khu vực.
Ông Carter đồng thời cảnh báo về viễn cảnh quá trình quân sự hóa tiếp tục diễn ra, cũng như khả năng các hoạt động này sẽ làm tăng nguy cơ tính toán sai hoặc dẫn đến xung đột tại khu vực.
Trước đó, hôm 5.11, Bộ trưởng Carter đã lên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ đang hoạt động trên Biển Đông. Tại đây, ông thẳng thừng chỉ trích hành động của Trung Quốc bồi đắp đảo phi pháp gây căng thẳng tại khu vực.
Về hoạt động tuần tra ở Biển Đông, ông Carter tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành việc tuần tra quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông. Ông cho rằng sự trỗi dậy đầy tham vọng của Trung Quốc buộc quân đội Mỹ phải thực thi những chiến lược của mình, theo AFP.
Theo ông Carter, Mỹ đang phản ứng trước động thái của Trung Quốc bằng việc đem những khí tài “tốt và mới nhất” đến châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời đầu tư vào chương trình không gian, chiến tranh mạng, hệ thống phòng thủ tên lửa, chiến tranh điện tử.
Trước đó, ngày 27.10, tàu khu trục USS Lassen của Hải quân Mỹ đã tuần tra sâu vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây phi pháp trên Biển Đông. Hoạt động này khiến Trung Quốc liên tục phản đối, thậm chí còn dọa sẽ tiến hành các bước đi quân sự cần thiết. Các nhà phân tích cho rằng đây là hoạt động thách thức mạnh mẽ của Mỹ đối với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 7.11 tại Singapore tuyên bố rằng chưa hề có vấn đề gì về hàng hải và hàng không trên Biển Đông, đồng thời khẳng định “các nước không phải ở châu Á nên hiểu và tôn trọng điều này và nên có những đóng góp tích cực hơn”. Phát biểu của ông Tập tại Singapore được cho là ám chỉ Mỹ đã và đang tuần tra trên Biển Đông mà theo khẳng định của Mỹ là nhằm bảo vệ lợi ích và tự do hàng hải.
Bình luận (0)