Mỹ cấp tập hoạt động ở Biển Đông

18/07/2020 07:23 GMT+7

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ bất ngờ tiến hành tập trận ở Biển Đông lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tuần.

Cam kết an ninh, ổn định

Trang web Hạm đội 7 hải quân Mỹ đưa tin 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiếp tục diễn tập chung và tiến hành các chiến dịch ở Biển Đông từ ngày 17.7, chỉ vài ngày sau khi Mỹ ra tuyên bố chính thức bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trong khu vực. “Năng lực và sự linh hoạt của hải quân đang được thể hiện đầy đủ trong khi chúng tôi hỗ trợ an ninh và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Không có ví dụ nào tốt hơn về cam kết của chúng tôi với khu vực, và theo định kỳ chúng tôi đưa nhiều đội ngũ đến với nhau tại Hạm đội 7 để thực hành các chiến dịch phối hợp quy mô lớn”, phó đô đốc Bill Merz chỉ huy Hạm đội 7 cho biết.

Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông

Hãng tin PTI ngày 17.7 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava tuyên bố nước này ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông, khi nhận định về việc Mỹ bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại vùng biển này. “Quan điểm của chúng tôi về vấn đề này là rõ ràng và nhất quán. Biển Đông nằm trong các lợi ích chung toàn cầu và Ấn Độ có lợi ích gắn chặt với hòa bình và ổn định trong khu vực này. Chúng tôi kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và các hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở trên các tuyến đường biển quốc tế ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về luật Biển”, ông Srivastava phát biểu.
Theo Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tiếp tục sử dụng tổng cộng 12.000 thủy thủ, lính thủy đánh bộ và hơn 120 máy bay để tiến hành các cuộc tập trận phòng không chiến thuật, nhằm duy trì khả năng sẵn sàng tác chiến. Chuẩn đô đốc Jim Kirk, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz, cho biết các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Biển Đông để củng cố cam kết với các đồng minh, đối tác về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Bên cạnh đó, chuẩn đô đốc George Wikoff chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tuyên bố phản đối những ai đe dọa an ninh khu vực. Hai nhóm tàu này từng tập trận tại Biển Đông từ ngày 4 - 6.7 trước khi USS Ronald Reagan đến Ấn Độ Dương và USS Nimitz trở lại biển Philippines.

Đối phó Trung Quốc

Trong diễn biến liên quan, một máy bay do thám không người lái MQ-4C Triton của hải quân Mỹ đã bay vào Biển Đông. South China Morning Post dẫn tin từ Sáng kiến minh bạch chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Bắc Kinh cho hay chiếc MQ-4C Triton đi vào phía bắc Biển Đông thông qua eo biển Ba Sĩ vào ngày 15.7. Giới chức Mỹ cho rằng bằng cách dùng Triton cùng máy bay tuần tra chống tàu ngầm, hải quân sẽ tăng đáng kể khả năng giám sát và ứng phó với quân đội Trung Quốc, vốn đang đẩy mạnh các hoạt động trên biển.
Bên cạnh đó, Mỹ sẽ triển khai hai đơn vị đặc nhiệm đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2021. Theo Nikkei Asian Review ngày 17.7, hai đơn vị này sẽ thực hiện nhiều sứ mệnh khác nhau như tác chiến điện tử và tác chiến mạng, trong đó ít nhất một đơn vị sẽ được triển khai ở Biển Đông. Một cựu sĩ quan hải quân Mỹ cho rằng phá hủy hệ thống liên lạc quân sự của Trung Quốc thông qua “đánh lừa” sẽ là biện pháp ứng phó hiệu quả đối với tình huống khẩn cấp ở Biển Đông, khiến quân đội Trung Quốc nghĩ rằng họ nhắm tới một tàu sân bay hay tàu chiến Mỹ, nhưng thật ra đó chỉ là một vùng biển cách xa ít nhất nửa dặm. Cựu Phó tham mưu trưởng lục quân Mỹ Jack Keane tin rằng chiến lược chống tiếp cận, chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc mang lại lợi thế cho nước này ở khu vực. Vì vậy, Washington phải đảm bảo “có khả năng răn đe hiệu quả ở đó và tên lửa tầm xa là một phần trong chiến lược của Mỹ”, theo ông Keane.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.