Bộ Tư pháp Mỹ chấm dứt chương trình tập trung vào việc chống gián điệp và đánh cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc |
Reuters |
Năm 2018, Bộ Tư pháp khởi động “Sáng kiến Trung Quốc” theo chỉ đạo của Tổng thống lúc đó là ông Donald Trump, với mục tiêu đối phó tình trạng Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.
Cụ thể, Sáng kiến Trung Quốc mở rộng cuộc điều tra đối với các giáo sư công tác tại những trường đại học Mỹ, nhằm xác định mối quan hệ của họ với chính quyền Bắc Kinh và các học giả Trung Quốc đến từ các trường đại học có liên kết với quân đội nước này.
Ít nhất 20 nhà nghiên cứu bị truy tố hoặc xét xử sau thời gian Mỹ triển khai Sáng kiến Trung Quốc. Một trong số này là giáo sư Charles Lieber của Đại học Harvard, người bị kết án vào tháng 12.2021 vì khai man về quan hệ với Trung Quốc.
Giới chức Mỹ cho hay Trung Quốc triển khai hoạt động gián điệp và đánh cắp công nghệ với quy mô đáng kinh ngạc. Tháng trước, Giám đốc Christopher Wray của Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) hiện tiếp nhận hơn 2.000 trường hợp liên quan đến Trung Quốc. Sau mỗi 12 giờ, FBI lại phải mở một cuộc điều tra mới có dính dáng Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, sáng kiến này đối mặt chỉ trích từ nhiều tổ chức dân sự vì cho rằng cách tiếp cận gây nên bầu không khí sợ hãi trong số người Mỹ gốc Á.
“Với việc chỉ chọn một quốc gia, như Sáng kiến Trung Quốc, đây được xem là hành động thiển cận, không phản ứng bản chất thực sự về các mối đe dọa trên tổng quan”, theo Đài NPR dẫn lời Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Matthew Olsen. Ông vừa được bổ nhiệm dẫn dắt Phân bộ An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp Mỹ.
“Trong khi tôi vẫn tập trung vào mối đe dọa đáng kể và tiếp tục diễn ra từ Trung Quốc, tôi chấm dứt sáng kiến này vì đây không phải là cách tiếp cận đúng đắn”, ông Olsen phát biểu tại Đại học George Mason (Mỹ).
Thay vào đó, mối đe dọa hiện tại mà Mỹ phải đối mặt bao gồm Nga, Iran, CHDCND Triều Tiên, bên cạnh Trung Quốc.
Bình luận (0)