Chạy đua gỡ thế bế tắc
Đề xuất của ông McCarthy nhằm tìm kiếm một nguồn tài trợ để đảm bảo chính phủ duy trì hoạt động thêm 30 ngày, giúp các bên có thêm thời gian để gỡ thế bế tắc. Tuy nhiên, thỏa thuận đã thất bại ở Hạ viện khi cuộc kiểm phiếu cuối cùng cho thấy 232 nhà lập pháp phản đối dự luật này (so với chỉ 198 phiếu thuận). Điều đáng nói là có đến 21 đảng viên Cộng hòa chống lại ông McCarthy, cũng là thành viên đảng này. Đài CNN đưa tin điều này càng làm phức tạp thêm nỗ lực cứu vãn tình hình trong tương lai.
Nếu các bên vẫn không tìm được tiếng nói chung, đây sẽ là lần thứ 4 chính phủ Mỹ đóng cửa trong 10 năm, và xảy ra chỉ 4 tháng sau khi tình trạng bế tắc tương tự khiến chính phủ liên bang suýt vỡ nợ. Trong viễn cảnh xấu nhất, mọi khía cạnh của Mỹ đều bị ảnh hưởng, hàng trăm ngàn nhân sự của Lầu Năm Góc có thể phải tạm nghỉ việc, quân đội làm việc không lương và hàng loạt dịch vụ của chính phủ bị đình trệ.
Điều đó còn ảnh hưởng đến các chính sách đối ngoại của Mỹ, nhất là khi nước này đang muốn cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc. Trong khi đó, Nga cũng có thể giành được lợi thế trong cuộc xung đột ở Ukraine, bởi dù thẩm quyền rút vũ khí để hỗ trợ cho Kyiv vẫn không bị ảnh hưởng, nhưng một số đợt chuyển hàng từ Mỹ có thể bị chậm lại hoặc tạm dừng, theo Reuters.
Tạm thời vẫn chưa có giải pháp chính trị nào cho tình trạng này. Sau cuộc bỏ phiếu, ông McCarthy cho biết Hạ viện vẫn có thể thông qua việc gia hạn tài trợ, song ông từ chối cho biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Theo nguồn tin của Reuters, Hạ viện dự kiến thông qua một dự luật lưỡng đảng để tài trợ cho chính phủ cho đến ngày 17.11, nhưng những rào cản về thủ tục có thể trì hoãn cuộc bỏ phiếu cuối cùng cho đến ngày 3.10. Thượng viện Mỹ cũng chưa công bố các giải pháp dự kiến cho vấn đề. Theo tờ Financial Times, nếu Thượng viện đạt được thỏa thuận lưỡng đảng để tài trợ cho chính phủ, đây có thể là giải pháp khả thi để cứu vãn tình hình.
Tác động đến ông Biden
Ngoài giáng đòn mạnh vào ông McCarthy, bất kỳ viễn cảnh nào dẫn đến việc chính phủ đóng cửa cũng ảnh hưởng đến Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 đang đến gần. Theo tờ Financial Times, việc này có thể vừa là tin tốt vừa là tin xấu với ông Biden. Về mặt tích cực, nó mang đến cơ hội mới, trong đó ông Biden có thể làm suy yếu lòng tin của cử tri vào đảng Cộng hòa và người tiền nhiệm Donald Trump, ứng viên tiềm năng đại diện đảng này tham gia cuộc tranh cử sắp tới.
Tuy nhiên, việc đóng cửa chính phủ cũng mang đến một số rủi ro chính trị cho Tổng thống Biden, đặc biệt nó gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế vào thời điểm tỷ lệ tín nhiệm của ông vừa mới có dấu hiệu tăng. Theo kết quả thăm dò của Reuters/Ipsos, tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với ông Biden trong tháng này đang ở mức 42%, mức cao nhất kể từ tháng 3, và tăng 2% so với tháng trước đó.
Bên cạnh đó, nguy cơ chính phủ đóng cửa cũng đe dọa các nỗ lực của ông Biden trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan, trong hàng loạt vấn đề từ phá thai đến chính sách kinh tế, vốn là một phần trong chiến dịch tranh cử của ông.
Bình luận (0)