Mỹ, châu Âu lại viện trợ vũ khí mạnh cho Ukraine nhưng Đức chưa chịu gửi xe tăng
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 19.1 công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 2,5 tỉ USD cho Ukraine. Đây là gói viện trợ lớn thứ 2, chỉ sau gói viện trợ hơn 3 tỉ USD được Washington công bố đầu tháng này.
Tự động phát
Theo Reuters, gói viện trợ mới gồm 59 xe chiến đấu Bradley và 90 xe bọc thép chở quân Stryker. Về phòng không, Mỹ cung cấp thêm 8 hệ thống phòng không Avenger, thêm tên lửa cho các hệ thống tên lửa phòng không NASAMS và Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) đã cung cấp trước đó.
Ngoài ra, Mỹ sẽ gửi thêm tên lửa chống radar, cả trăm ngàn quả đạn pháo các loại cùng nhiều loại phương tiện, đạn dược, trang thiết bị khác.
Tính tổng cộng, Mỹ đã cam kết số vũ khí trị giá hơn 26,7 tỉ USD cho Ukraine từ khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu vào tháng 2.2022.
Gói viện trợ mới được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Đức và gặp tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trong bối cảnh Berlin chịu sức ép về việc cho phép đưa xe tăng Leopard sang cho Ukraine.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho hay nước này có thể chuyển giao xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất cho Ukraine mà không cần sự đồng ý của Berlin.
Trả lời trang tin Polsat News cuối ngày 18.1, ông Morawiecki nói: "Việc Đức cho phép là vấn đề phụ", và nếu Berlin không phê chuẩn thì Warsaw "sẽ tự làm điều cần làm”.
Warsaw có ý định viện trợ 14 xe tăng Leopard 2 của nước này cho Ukraine và đang chờ những nước Liên minh châu Âu (EU) khác, bao gồm Đan Mạch, Phần Lan và Đức, cùng thực hiện cam kết. Đức trước đó nói sẽ cho phép chuyển giao xe tăng do nước này sản xuất cho Ukraine nếu Mỹ đồng ý viện trợ xe tăng chủ lực của mình.
Tuy nhiên, đại diện Lầu Năm Góc khẳng định Mỹ hiện chưa chuẩn bị gửi xe tăng M1 Abrams cho Kyiv.
Mặt khác, cũng trong ngày 19.1, 9 nước châu Âu gồm Anh, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan, Latvia, Lithuania và Slovakia đã cam kết viện trợ quân sự thêm cho Ukraine.
Đan Mạch cho biết sẽ hoãn trang bị cho quân đội của nước này để viện trợ cho Ukraine 19 hệ thống pháo tự hành Caesar do Pháp sản xuất.
Thụy Điển cũng thông báo ý định chuyển giao hệ thống pháo Archer theo khuôn khổ gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine. Stockholm cũng đang cân nhắc gửi đến 50 xe chiến đấu bọc thép trong gói viện trợ này.
Còn Anh tuyên bố sẽ gửi 600 tên lửa Brimstone ủng hộ Kyiv.
Bình luận (0)