Mỹ và Hàn Quốc hôm 13.7 đã chọn huyện Seongju ở tỉnh Bắc Gyeongsang làm nơi bố trí hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Địa điểm này cách thủ đô Seoul 296 km về phía đông nam, được liên minh 2 nước coi là vị trí lý tưởng để bảo vệ các căn cứ quân sự Mỹ-Hàn trước các mối đe doạ hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Tuy nhiên, người dân tại khu vực này đã phản đối, cho rằng radar AN/TPY-2 của THAAD có thể ảnh hưởng môi trường xung quanh, gây ung thư, theo Yonhap ngày 17.7. Những người phản đối thậm chí còn ngăn không cho Thủ tướng Hwang Kyo-ahn rời khỏi Seongju sau khi ông có bài phát biểu trấn an người dân nơi đây hôm 13.7.
Một nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc ngày 17.7 tiết lộ nước này sẽ tiến hành các đánh giá về tác động của việc triển khai THAAD đến sức khoẻ của người dân và môi trường. Việc kiểm tra sẽ được tiến hành trên khu vực 110.000 m2 xung quanh địa điểm bố trí THAAD và được coi là điều chưa từng có tiền lệ, nhằm trấn an dư luận.
tin liên quan
Triều Tiên dọa 'tấn công tàn nhẫn' đáp trả việc triển khai THAADQuân đội Triều Tiên ngày 11.7 cảnh báo sẽ có các hành động quân sự chống lại Mỹ và Hàn Quốc đối với việc hai nước này quyết định triển khai THAAD tại bán đảo Triều Tiên.
Nguồn tin Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho biết chính quyền đã bàn bạc phía Mỹ về việc cho phép các nhà báo đến đảo Guam để kiểm tra các vấn đề liên quan đến sóng điện từ phát ra từ radar của THAAD, độ ồn của các máy báo tín hiệu khẩn cấp và những tác động đối với môi trường xung quanh. Chuyến đi này dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 18.7.
Hệ thống THAAD tại đảo Guam được triển khai vào năm 2013 nhằm đề phòng việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan, có thể bắn tới các vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Theo quan chức Hàn Quốc, phía Mỹ lúc đầu nhấn mạnh rằng chưa bao giờ cho phép dân thường các nước tham quan các cơ sở bố trí THAAD dù đã triển khai hệ thống này ở 8 nước. Tuy vậy, việc cho phép các nhà báo Hàn Quốc đến Guam là một ngoại lệ nhằm đưa ra các bài báo công bằng, chứng minh cho người dân Hàn Quốc và đặc biệt là tại Seongju thấy THAAD không gây hại đến sức khoẻ con người cũng như môi trường.
Trong khi tìm cách trấn an người dân, Hàn Quốc và Mỹ đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của THAAD đối với an ninh của Hàn Quốc. Các tên lửa của hệ thống này có tầm bắn 200 km, không thể bảo vệ Seoul nhưng có thể che chở cho các căn cứ quân sự, hậu cần quan trọng của Mỹ và Hàn Quốc trong vùng. Mỗi hệ thống có 6 dàn phóng di động (mỗi dàn gồm 8 tên lửa đánh chặn), một trung tâm điều khiển hoả lực, một trung tâm liên lạc và một radar, theo Yonhap.
Bình luận (0)