Theo bài báo, sự thất vọng trước tốc độ phản công chậm của Ukraine đã dẫn đến suy đoán rằng Washington sẽ sớm cung cấp tên lửa ATACMS (tức hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân) cho Kyiv. Đây là loại tên lửa có tầm tấn công lên đến 300 km, và được phóng bằng tổ hợp pháo phản lực HIMARS mà Mỹ đã cung cấp cho Kyiv.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nắm rõ vấn đề này khẳng định với Washington Post rằng "không có thay đổi nào trong chính sách của Mỹ và không có cuộc thảo luận thực chất nào về vấn đề này trong nhiều tháng".
Giới chức Ukraine đã lên kế hoạch phản công trong nhiều tháng, dự kiến kết thúc bằng việc giành lại kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, trong đó có Crimea. Chiến dịch này bắt đầu hồi đầu tháng 6.2023, song đến nay vẫn chưa giành được bất cứ thành công nào đáng kể trừ việc Ukraine đối mặt với tổn thất nặng nề về nhân lực lẫn thiết bị.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào đầu tháng 7 cho biết Kyiv đã hy vọng có thể bắt đầu phản công sớm hơn, nhưng không thực hiện được do phương Tây chưa cung cấp đủ vũ khí. Ông Zelensky nói lợi thế về vũ khí tầm xa của Nga đã gây khó khăn cho kế hoạch phản công của Ukraine.
Ngày 20.7, ông Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ukraine, nhắc lại yêu cầu cung cấp tên lửa ATACMS tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Mỹ.
Theo các quan chức Mỹ, Lầu Năm Góc tin rằng Kyiv "có nhu cầu cấp bách khác ngoài ATACMS". Hơn nữa, Washington "lo ngại rằng việc gửi đầy đủ vũ khí tới Ukraine... sẽ làm suy yếu nghiêm trọng sự sẵn sàng của Mỹ đối với các cuộc xung đột có thể xảy ra khác".
Nga lần đầu tuyên bố bắn hạ tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow Anh viện trợ Ukraine
Cho đến nay, Anh và Pháp đã cung cấp cho Ukraine nhiều tên lửa tầm xa Storm Shadow/SCALP có tầm bắn đến 250 km.
Theo Washington Post, kho tên lửa ATACMS của Lầu Năm Góc vô cùng hạn chế. Công ty Lockheed Martin được cho là chỉ chế tạo khoảng 4.000 tên lửa ATACMS từ khi bắt đầu sản xuất loại vũ khí này hồi những năm 1980. Trong đó, ít nhất 900 tên lửa đã được bán cho các đồng minh và một số lượng lớn tên lửa đã được quân đội Mỹ sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh hồi năm 1991 và trong cuộc chiến tại Iraq hồi năm 2003.
Các quan chức Mỹ cho hay số lượng ATACMS trong kho dự trữ vẫn ổn định, chờ được thay thế bằng tên lửa tấn công chính xác tầm xa thế hệ tiếp theo, dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm nay. Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) vẫn sản xuất 500 ATACMS/năm, nhưng số lượng đó được dành để bán cho các quốc gia khác.
Bình luận (0)