Khi một khinh khí cầu thời tiết xảy ra sự cố gần 25 năm trước trên bầu trời Canada, bộ đôi tiêm kích đã nã hơn 1.000 phát đạn nhưng vẫn không thể bắn hạ nó.
"Mặc nhiên tàng hình"
Theo một báo cáo nghiên cứu công bố năm 2009 về khí cầu ở tầng bình lưu, thiếu tá Kevin Massie của Không quân Mỹ rút ra kết luận gây ngạc nhiên: bất chấp kích thước khổng lồ, khinh khí cầu rất khó bị phát hiện, và nếu bị bắn trúng cũng không hạ độ cao ngay lập tức.
"Bản chất của các khinh khí cầu ở tầng bình lưu là tàng hình. Do chúng chứa khí trơ và không tạo ra nhiệt lượng lớn, [khinh khí cầu ở tầng bình lưu] chỉ hiển thị dấu vết hồng ngoại rất nhỏ bé ở cao độ", tác giả Massie viết khi ấy, theo Tạp chí Newsweek.
Khí cầu gián điệp - vì sao vẫn được sử dụng trong thời đại tên lửa?
"Do cấu trúc phi kim loại và thiếu những rìa góc cạnh, [khinh khí cầu ở tầng bình lưu] cũng thể hiện sự phản hồi radar tối thiểu. Thậm chí với kích thước đáng nể như thế, chúng cũng rất khó bị phát hiện bằng tầm nhìn", ông Massie bổ sung.
Một trường hợp chứng minh tính chính xác của nhận định trên đã xảy ra gần 25 năm trước, khi một khinh khí cầu đo đạc hàm lượng ozone xảy ra sự cố trên bầu trời Canada.
Khinh khí cầu "nổi loạn'
Hãng AP đưa tin khinh khí cầu trên bắt đầu gặp trục trặc vào tháng 8.1998, di chuyển không kiểm soát ngang không phận Canada, đi qua Đại Tây Dương và đến không phận Anh trước khi tiến vào Iceland và trôi đến hướng bắc.
Hai tiêm kích CF-18 (phiên bản Canada của F/A-18 Hornet) thuộc Không quân Hoàng gia Canada phát hiện khinh khí bên trên bầu trời Newfoundland và bắn hơn 1.000 viên đạn về hướng mục tiêu. Đạn cũng trúng đích, nhưng thay vì bị bắn nổ tung, khinh khí cầu chỉ bị thoát hơi dần dần. Cuối cùng nó vẫn lửng lơ trên không và tiếp tục di chuyển một cách mất phương hướng trong 6 ngày sau đó.
Đài BBC dẫn lời trung úy Steve Wills, người phát ngôn quân đội Canada khi đó, thừa nhận khó bắn trúng khinh khí cầu dù nó có kích thước cỡ 25 tầng lầu.
Sau đó, khinh khí cầu cũng sống sót sau những đợt chạm trán với máy bay Anh và Mỹ. Thậm chí nó còn buộc các nhà kiểm soát không lưu chuyển hướng và trì hoãn các chuyến bay vượt Đại Tây Dương. Nếu rơi xuống đất, khinh khí cầu này có thể bao phủ một khu vực có diện tích gấp khoảng 5 lần sân bóng đá, theo báo The Irish Times đưa tin khi đó.
Trung Quốc nói gì về khinh khí cầu "do thám" bị phát hiện ở Mỹ?
Vụ khinh khí cầu Trung Quốc
Trong thập niên qua, Mỹ đã nâng cao năng lực phát hiện các vật thể tương tự. Và khinh khí cầu của Trung Quốc được một máy bay thương mại phát hiện, theo Wall Street Journal.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tối 3.2 ra thông cáo khẳng định khinh khí cầu của nước này xuất hiện trên bầu trời Mỹ là khinh khí cầu dân sự bay lạc, sau khi vụ việc gây xôn xao và dẫn đến đồn đoán Bắc Kinh tiến hành do thám Mỹ.
Tiến sĩ Rebecca Grant, nhà phân tích an ninh quốc gia và chuyên gia không gian của Viện Nghiên cứu Độc lập (Mỹ), cho hay việc theo dõi khinh khí cầu hiện không là vấn đề. "Các radar của máy bay chiến đấu, như F-22 hoặc F-15, có thể theo dõi mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ", Newsweek dẫn lời bà Grant.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin khinh khí cầu "bay lạc" có kích thước 40 mét khối.
"Việc bắn khinh khí cầu không phải là vấn đề lớn", nữ chuyên gia giải thích, vì trong trường hợp xấu nhất tiêm kích Mỹ vẫn có thể khai hỏa tên lửa không đối không để phá hủy mục tiêu.
Vấn đề ở đây là một khi bắn phải tính toán được điểm rơi của nó, dựa vào thời lượng khinh khí cầu thoát hơi và mất bao lâu mới hoàn toàn xẹp xuống.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Washington cho biết Tổng thống Joe Biden đã nghe báo cáo về vụ việc, nhưng vị tổng tư lệnh quân đội Mỹ đồng ý với khuyến nghị của giới quan chức quốc phòng rằng không nên bắn hạ khinh khí cầu để tránh gây thương vong trên mặt đất.
Bình luận (0)