Mỹ có thể ngăn al-Qaeda trỗi dậy ở Afghanistan chỉ bằng không kích?

01/10/2021 11:04 GMT+7

Lầu Năm Góc định dựa vào các cuộc không kích để ngăn chặn al-Qaeda trỗi dậy ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân, nhưng một số chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của chính sách này.

Khi thông báo về kế hoạch rút hết quân Mỹ hồi tháng 4, Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ không cho phép al-Qaeda trở lại ở Afghanistan, nơi Osama bin Laden bị cho là đã lập mưu vụ khủng bố 11.9.
Kể từ khi Tổng thống Biden thông báo kế hoạch rút quân, Lầu Năm Góc nhiều lần tuyên bố họ có năng lực kiểm soát các hoạt động tấn công của al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Afghanistan thông qua các cuộc không kích từ những căn cứ hay tàu sân bay của Mỹ trong khu vực.
Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ ngày 29.9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng các chiến dịch không kích như trên là “hoàn toàn khả thi” và thông tin tình báo hỗ trợ cho chiến dịch này đến nhiều nguồn khác nhau, theo AFP. Quân đội Mỹ đã hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan vào ngày 30.8.

Một máy bay không người lái của Mỹ

AFP

Bộ trưởng Austin tiết lộ kế hoạch tiến hành các cuộc không kích như trên chỉ khoảng 2 tuần sau khi ông buộc phải lên tiếng xin lỗi người thân của những dân thường thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở thủ đô Kabul của Afghanistan vào ngày 29.8. Mục tiêu của cuộc tấn công đó là các tay súng IS đáng nghi nhưng rốt cuộc lại giết chết 10 dân thường, trong đó có 7 trẻ em. Ông Austin gọi cuộc tấn công ngày 29.8 là "một sai lầm khủng khiếp".

Lãnh đạo quân đội Mỹ thừa nhận bất ngờ khi Afghanistan sụp đổ nhanh chóng

Trong cuộc điều trần nói trên, Bộ trưởng Austin từ chối cung cấp chi tiết về kế hoạch tiến hành các cuộc không kích từ xa nhắm vào al-Qaeda và IS ở Afghanistan.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia và nghị sĩ Mỹ tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của những cuộc không kích tầm xa nhắm vào các mục tiêu ở Afghanistan, vốn cách xa căn cứ Mỹ gần nhất ở khu vực tới hàng ngàn km, theo AFP.
Trong bài bình luận mới đây, giáo sư về chiến lược hàng hải James Holmes thuộc Trường Chiến tranh hải quân của Mỹ cho rằng chiến dịch không kích tầm xa chỉ có hiệu quả khi chiến trường nằm trong tầm tấn công dễ dàng của các lực lượng không hoặc hải quân. “Các chiến đấu cơ bay từ các đường băng gần vịnh Ả Rập phải bay vòng xuống phía nam xung quanh không phận Iran, vào biển Ả Rập và hướng về phía bắc thông qua không phận Pakistan để tấn công các mục tiêu ở Afghanistan” ông Holmes phân tích.

Người dân Kabul: Mỹ giết dân thường rồi chỉ xin lỗi 'là không đủ'

Cũng theo ông Holmes, còn là cựu sĩ quan hải quân Mỹ, chiến đấu cơ hoạt động từ tàu sân bay có thể tiến hành cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu ở Afghanistan vì tàu sân bay Mỹ có thể hoạt động ở Biển Ả Rập. Tuy nhiên, do Kabul nằm cách xa điểm gần nhất nằm dọc bờ biển Pakistan tới hơn 1.100 km nên việc tiếp nhiên liệu cho chiến đấu cơ là điều bắt buộc. Do đó, ông Holmes đã "chúc may mắn" cho chiến dịch không kích tầm xa như trên của Lầu Năm Góc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.