Mỹ có thể phản ứng ra sao trước nước cờ mới của Nga?

30/09/2022 14:08 GMT+7

Giới chuyên gia cho rằng Mỹ có thể gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau khi 4 vùng thuộc Ukraine tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga.

Trong hôm nay 30.9, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tổ chức lễ ký kết thỏa thuận sáp nhập các vùng lãnh thổ mới, theo Reuters dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov. Các thỏa thuận sẽ được ký với "cả 4 vùng lãnh thổ đã tổ chức trưng cầu dân ý và đưa ra các yêu cầu tương ứng với phía Nga", ông Peskov nói. Đó là 4 tỉnh thuộc miền đông và nam Ukraine, gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia, đã tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý từ ngày 23 - 27.9.

Trước đó vào ngày 28.9, Mỹ đã cảnh báo rằng Washington sẽ thực hiện các biện pháp chống lại Moscow trong những ngày tới vì các cuộc trưng cầu dân ý mà Mỹ cho là “giả tạo” do Nga tổ chức tại 4 vùng nói trên. Từ đó, giới chuyên gia nhận định Washington có thể tăng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow sau khi Mỹ đã áp đặt một số lệnh cấm vận lên Nga vì việc phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2. Những lệnh cấm vận trước đó đã nhắm vào ngân hàng trung ương, các ngân hàng lớn, các oligarch (tức nhóm quyền lợi thao túng ở Nga) và cả Tổng thống Putin, theo Reuters.

Chi nhánh ngân hàng Gazprombank của Nga ở Moscow

reuters

Thực thi các lệnh cấm vận

Giới chuyên gia cho hay họ dự đoán Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp thực thi những lệnh cấm vận hiện có đối với Nga và nhắm vào những đối tượng giúp Moscow né tránh lệnh trừng phạt, theo Reuters. Mỹ cũng có thể thực thi các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với những thực thể và cá nhân Nga đã bị chỉ định. Việc này sẽ đe dọa bất kỳ ai trên thế giới thực hiện các giao dịch với Nga, theo ông Edward Fishman, người từng làm việc về các lệnh trừng phạt Nga tại Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Mỹ có đối sách gì trước bước đi nghiêm trọng của Nga tại Ukraine?

Ngoài ra, ông Brian O'Toole, cựu quan chức Bộ Tài chính và hiện làm việc tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), nhận định việc nhắm mục tiêu vào các thực thể nước ngoài vì né tránh những lệnh trừng phạt sẽ không có gì đáng ngạc nhiên. Ông O'Toole cho hay ông dự đoán Bộ Thương mại Mỹ sẽ có một số hành động nhằm thực thi các lệnh cấm vận. Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa thêm vào danh sách đen những công ty vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mở rộng của bộ này đối với Nga.

Cũng theo giới chuyên gia, Mỹ vẫn có thể áp đặt các biện pháp cấm vận đối với các tài phiệt và những nhân vật khác chưa bị nhắm tới. Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 28.9, ông James O'Brien, quan chức điều phối các biện pháp trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho hay Washington sẽ xem xét những người vi phạm nhân quyền trong các gói trừng phạt trong tương lai.

Nhắm vào năng lượng, ngân hàng

Mỹ và các đối tác G7 cho biết họ sẽ áp giá trần đối với dầu của Nga, bắt đầu từ ngày 5.12, nhưng đã không nhắm trực tiếp vào các công ty năng lượng lớn của Nga do lo ngại về giá và nguồn cung năng lượng. Tuy nhiên, ông Fishman cho rằng Mỹ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt ngăn chặn hoàn toàn đối với các công ty năng lượng lớn của Nga, chẳng hạn như Rosneft và Gazprom. Hôm 28.9, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Elizabeth Rosenberg nói trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng nguồn ngoại tệ lớn nhất của Nga đến từ việc bán năng lượng nên Washington cần tập trung ngăn chặn Moscow có được nguồn thu đó, theo Reuters.

Ngoài ra, hai ông Fishman và O'Toole cho rằng Washington cũng có thể nhắm mục tiêu vào ngân hàng Gazprombank của Nga với các biện pháp trừng phạt ngăn chặn đầy đủ, sử dụng công cụ trừng phạt mạnh mẽ nhất của Washington.

Giới chuyên gia còn cho rằng Washington cũng có thể nhắm vào các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước khác. Mỹ đã áp đặt những biện pháp cấm vận đối với các ngân hàng lớn của Nga, trong đó có Sberbank. Tuy nhiên, Washington có thể nhắm mục tiêu vào những ngân hàng đã tham gia lấp đầy khoảng trống còn lại của những ngân hàng đã dừng cung cấp các dịch vụ do các lệnh cấm vận và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch với những ngân hàng khác đã bị chỉ định, theo ông O'Toole.

Cáo buộc phá hoại nổi lên sau vụ rò rỉ đường ống Nord Stream

Ông Fishman nói các biện pháp trừng phạt ngăn chặn hoàn toàn đối với tất cả ngân hàng còn lại của Nga sẽ là một lựa chọn tốt. Ông Fishman còn cho rằng một trong những lỗ hổng lớn nhất là thiếu các biện pháp trừng phạt ngăn chặn đối với các doanh nghiệp nhà nước lớn của Nga.

Ngoài ra, quan chức O'Brien ngày 28.9 cho hay Washington sẽ xem xét lĩnh vực tài chính và công nghệ cao, đặc biệt là khai thác năng lượng trong các hành động trừng phạt trong tương lai. Ông cho biết thêm Washington sẽ duy trì sự tập trung vào các chuỗi cung ứng quân sự của Nga.

Washington cũng có thể mở rộng những lệnh cấm vận nhắm vào hai vùng Donetsk và Luhansk với cả hai vùng Zaporizhzhia và Kherson, theo ông O'Toole. Hồi tháng 2, Tổng thống Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp để cấm thương mại và đầu tư giữa các cá nhân Mỹ và hai khu vực ly khai Donetsk và Luhansk, sau khi Nga công nhận độc lập đối với hai khu vực này, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.