Phát biểu trên được ông Blinken đưa ra tại một cuộc họp báo ở Wellington: "Cánh cửa [AUKUS] đang rất rộng mở cho New Zealand và các đối tác khác tham gia khi họ thấy phù hợp trong tương lai".
"Chúng tôi đã làm việc cùng nhau trong một thời gian dài về các vấn đề an ninh quốc gia quan trọng nhất. Và vì vậy, khi chúng tôi phát triển hơn nữa AUKUS, như tôi đã nói, cánh cửa sẽ mở ra để [bên ngoài] tham gia", Ngoại trưởng Mỹ nói thêm.
Ông Blinken đến New Zealand trong khuôn khổ chuyến thăm 3 nước Thái Bình Dương. Ông đã gặp Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins và Ngoại trưởng Nanaia Mahuta. Ông dự kiến tới Úc vào cuối ngày 27.7, nơi cuộc tập trận quân sự lớn nhất giữa 2 nước sẽ được tiến hành.
Bà Mahuta cho biết các cuộc thảo luận giữa bà với ông Blinken diễn ra nồng ấm và riêng tư, đồng thời đề cập trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, môi trường toàn cầu ngày càng cạnh tranh, bao gồm ở Thái Bình Dương.
Dự án AUKUS với nhiều giai đoạn, được công bố vào tháng 3 dự kiến hoàn thành vào cuối những năm 2030 và đầu những năm 2040. Kế hoạch bao gồm việc Anh và Úc sản xuất và vận hành lớp tàu ngầm mới với công nghệ tiên tiến của Mỹ.
New Zealand trước đó cho biết nước này sẵn sàng thảo luận về giai đoạn thứ hai của AUKUS, tập trung vào công nghệ quân sự. Tuy nhiên, theo trang Stuff, Mahuta nhắc lại rằng Wellington "không sẵn sàng thỏa hiệp hoặc thay đổi lập trường phi hạt nhân của mình".
Bà Mahuta sau đó nói thêm rằng dù New Zealand "không cam kết bất cứ điều gì vào thời điểm này" và "không dự tính tham gia AUKUS", chính phủ nước này đang nghiên cứu tham gia trụ cột thứ hai của liên minh, tập trung chia sẻ công nghệ quân sự tiên tiến. Tuy nhiên, bà không nêu thời điểm cụ thể để công bố quyết định cuối cùng.
Tổng thống Biden ca ngợi thỏa thuận tay ba AUKUS giúp Úc có tàu ngầm hạt nhân
Wellington và Washington tự mô tả đôi bên là đối tác chiến lược thân thiết, mặc dù liên minh giữa 2 nước đã bị đình chỉ vào những năm 1980 khi New Zealand cấm các tàu chiến vũ trang hoặc tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ ghé thăm.
Quan hệ song phương trở nên gắn kết hơn trong vài năm qua do những lo ngại chung về sự hiện diện của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, đặc biệt là mối quan hệ chính sách và quốc phòng của Bắc Kinh với quần đảo Solomon và tác động tiềm tàng trong khu vực.
Ngoại trưởng Mahuta nói rằng trong khi New Zealand tôn trọng nền độc lập của Quần đảo Solomon, New Zealand cũng ủng hộ các thỏa thuận khu vực yêu cầu các quốc gia Thái Bình Dương cùng nhau đưa ra các quyết định có tác động đến khu vực.
Bình luận (0)