"Tôi thấy trước việc đó (tuần tra chung ở Biển Đông) sẽ diễn ra rất sớm", Đại sứ Romualdez nói với mạng truyền hình ABS-CBN News hôm nay 8.5. Ông Romualdez khẳng định cuộc tuần tra chung này nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trước đó, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nói rằng các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông có thể bắt đầu trong năm nay. Các quốc gia tham gia tuần tra chung ở Biển Đông là Mỹ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc, theo ABS-CBN News.
Trong tuyên bố chung sau khi Tổng thống Marcos Jr gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 1.5, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cam kết vững chắc của họ đối với tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Họ ghi nhận phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cũng theo tuyên bố chung, được đăng trên trang web của Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh một cuộc tấn công vũ trang nhắm vào các lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines ở Thái Bình Dương, bao gồm cả ở Biển Đông, sẽ kích hoạt cam kết phòng thủ chung của Mỹ theo Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951.
Tổng thống Philippines: Mỹ được tiếp cận căn cứ quân sự, nhưng không phải để tấn công
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Philippines ngày 1.5 là phần trọng tâm trong chuyến thăm Mỹ kéo dài 4 ngày của Tổng thống Marcos Jr, bắt đầu từ ngày 30.4, trong lúc ông Marcos Jr tìm kiếm mối quan hệ nồng ấm với cả Mỹ lẫn Trung Quốc.
Giới chuyên gia cho rằng Mỹ xem Philippines là một địa điểm tiềm năng để triển khai các hệ thống rốc két, tên lửa và pháo binh nhằm chống lại nguy cơ một cuộc tấn công đổ bộ tiềm tàng của Trung Quốc vào Đài Loan.
Tuy nhiên, trước khi gặp Tổng thống Biden tại Nhà Trắng, Tổng thống Marcos Jr nói với các phóng viên trên máy bay của mình rằng Trung Quốc đã đồng ý thảo luận về quyền đánh bắt cá ở Biển Đông và ông cũng sẽ không cho phép Philippines trở thành một nơi dành cho hành động quân sự, theo Reuters.
Bình luận (0)