Mỹ đánh giá cuộc phản công, hứa gửi cho Ukraine loại đạn hơn 100 nước cấm

08/07/2023 08:40 GMT+7

Lầu Năm Góc có đánh giá mới về cuộc phản công của Ukraine, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ cung cấp đạn chùm cho Ukraine.

Cố vấn chính sách hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ Colin Kahl ngày 7.7 nhận định cuộc phản công của Ukraine đang diễn ra chậm hơn so với dự kiến, theo Reuters.

Mỹ và các đồng minh khác đã dành nhiều tháng để cung cấp vũ khí cho Ukraine và huấn luyện quân đội nước này các kỹ thuật hiệp đồng chiến đấu để giúp Kyiv chọc thủng hệ thống phòng thủ đáng gờm của Nga trong cuộc phản công.

Mỹ đánh giá cuộc phản công, hứa gửi cho Ukraine loại đạn hơn 100 nước cấm - Ảnh 1.

Quân nhân Ukraine lái xe tăng cách tiền tuyến không xa ở tỉnh Kharkiv ngày 6.7

AFP

Trong khi đó, Nga cũng đã dành nhiều tháng để củng cố các vị trí phòng thủ, bố trí nhiều bãi mìn và xây dựng các công sự được trang bị vũ khí mạnh, khiến những bước tiến của Ukraine ở phía đông và phía nam bị chậm lại và chịu nhiều tổn thất.

Cố vấn Kahl bày tỏ tin tưởng rằng Kyiv đang nỗ lực hết mình trong một cuộc chiến đầy khó khăn. "Còn quá sớm để đánh giá cuộc phản công sẽ diễn ra theo hướng này hay hướng khác bởi vì chúng ta đang ở ban đầu của giai đoạn giữa", ông Kahl nói với các phóng viên.

"Họ vẫn đang thăm dò các tuyến và khu vực của Nga để tìm điểm yếu. Và thử thách thực sự sẽ là khi xác định được rồi thì họ có thể khai thác những điểm yếu đó nhanh chóng ra sao", ông Kahl nói tiếp.

Mỹ, Nga nói gì xoay quanh quyết định viện trợ đạn chùm cho Ukraine?

Mỹ nêu lý do cung cấp đạn chùm cho Ukraine

Ông Kahl có đánh giá như trên khi ông tuyên bố việc cung cấp đạn chùm mà Lầu Năm Góc đã thông báo sẽ giúp đảm bảo Ukraine có đủ hỏa lực. "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng người Ukraine có đủ pháo binh để tiếp tục chiến đấu trong bối cảnh cuộc phản công hiện nay, và bởi vì mọi thứ đang diễn ra chậm hơn một chút so với mong đợi của một số người", ông Kahl nhấn mạnh.

Lầu Năm Góc ngày 7.7 thông báo rằng họ sẽ gửi đạn chùm cho Ukraine như một phần của gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 800 triệu USD dành cho Kyiv, theo Reuters. Đạn chùm có thể thúc đẩy cuộc phản công của Ukraine nhằm giành lại lãnh thổ bị lực lượng Nga kiểm soát kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022.

Mỹ đánh giá cuộc phản công, hứa gửi cho Ukraine loại đạn hơn 100 nước cấm - Ảnh 2.

Quân nhân Ukraine tại tỉnh Kharkiv cầm một quả đạn nhỏ chưa nổ trong loại bom chùm bị nghi do Nga sử dụng hồi năm ngoái

Reuters

"Chúng tôi nhận ra rằng đạn chùm đặt ra nguy cơ gây hại cho dân thường từ vật liệu chưa nổ. Đây là lý do tại sao chúng tôi đã trì hoãn quyết định càng lâu càng tốt", Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với các phóng viên.

"Tuy nhiên, cũng có nguy cơ gây hại cho dân thường nếu quân đội và xe tăng Nga tràn qua các vị trí của Ukraine, kiểm soát thêm lãnh thổ Ukraine… vì Ukraine không có đủ pháo", ông Sullivan nói tiếp.

Xem nhanh: Ngày 498 chiến dịch, Ukraine sắp có đạn chùm đáng sợ của Mỹ; trùm Wagner lại về Nga?

Khi được hỏi tại sao bây giờ mới đồng ý cung cấp đạn chùm cho Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên rằng đó là vì nỗ lực phòng thủ chống lại Nga đã "cạn kiệt đạn", theo Reuters.

Bị 111 nước cấm

Đạn chùm giải phóng một số lượng lớn đạn nhỏ hơn có thể sát thương trên một khu vực rộng lớn. Những quả đạn không phát nổ có thể gây nguy hiểm trong nhiều thập niên sau khi xung đột kết thúc. Ukraine đã yêu cầu được cung cấp những vũ khí này để bắn vào các vị trí của lực lượng Nga.

Ông Sullivan nói rằng "Ukraine đã đưa ra những đảm bảo bằng văn bản rằng họ sẽ sử dụng những thứ này một cách rất cẩn thận" để giảm thiểu rủi ro cho dân thường.

Trong khi đó, các nhóm nhân quyền phản đối quyết định cung cấp đạn chùm của Mỹ, theo Reuters. Ngoài ra, một phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc cho biết Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phản đối việc tiếp tục sử dụng đạn chùm.

Binh sĩ Ukraine ca ngợi xe bọc thép kháng mìn MaxxPro của Mỹ ‘gần như không thể phá hủy’

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho hay Berlin cũng phản đối việc gửi đạn chùm tới Ukraine. Đức là một trong 111 quốc gia tham gia Công ước về bom chùm, một hiệp ước không có Mỹ tham gia, theo Reuters.

Gói hỗ trợ an ninh do Lầu Năm Góc công bố bao gồm đạn chùm được bắn bởi lựu pháo 155 mm, 31 khẩu lựu pháo 155 mm bổ sung, đạn bổ sung cho hệ thống phòng không Patriot và vũ khí chống tăng, theo Reuters.

Ngoài ra còn có máy bay không người lái Penguin mới, đạn cho Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS), xe chiến đấu bộ binh Bradley và xe bọc thép chở quân Stryker. Đây là gói viện trợ quân sự thứ 42 của Mỹ dành cho Ukraine, nâng tổng giá trị viện trợ an ninh của Washington dành cho Kyiv lên hơn 40 tỉ USD kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.