Mỹ điều B-52 bay gần Trường Sa

06/06/2018 07:26 GMT+7

Sau khi mạnh mẽ lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, Mỹ được cho là đã triển khai 2 oanh tạc cơ B-52 bay gần quần đảo Trường Sa.

CNN hôm qua dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ 2 máy bay ném bom chiến lược B-52, vốn có khả năng mang vũ khí hạt nhân, đã bay trong phạm vi cách quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông chỉ hơn 32 km trong ngày 4.6. Lầu Năm Góc từ chối bình luận chi tiết nhưng phát ngôn viên Chris Logan cho biết 2 chiếc B-52 cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam đến cơ sở hỗ trợ hải quân trên đảo Diego Garcia, lãnh thổ hải ngoại của Anh trên Ấn Độ Dương, để thực hiện “một cuộc huấn luyện thường lệ”. Theo ông Logan, hoạt động này là một phần trong nhiệm vụ duy trì sự sẵn sàng của các lực lượng Mỹ thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thông tin về việc B-52 bay gần Trường Sa được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh việc Trung Quốc bố trí các hệ thống vũ khí trên đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông là nhằm “hăm dọa và ép buộc”. Phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore, lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng khẳng định Washington sẽ không từ bỏ vai trò tại khu vực và sẽ “cạnh tranh đến cùng vì hòa bình và ổn định”. Cũng trong ngày 5.6, Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao phương Tây và châu Á tiết lộ Mỹ đang cân nhắc tăng cường hoạt động ở Biển Đông nhằm đối phó hành động quân sự hóa của Trung Quốc.
Trước đó, hôm 27.5, hải quân Mỹ điều khu trục hạm USS Higgins và tuần dương hạm USS Antietam hoạt động trong vùng biển 12 hải lý xung quanh đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm, đều nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Phản ứng trước thông tin trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 31.5 nhấn mạnh: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước LHQ về luật Biển 1982; đồng thời đề nghị các quốc gia đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật trên Biển Đông”.
Liên quan đến quan điểm từ Mỹ, thượng nghị sĩ Marco Rubio, cựu ứng viên tổng thống năm 2016, mới đây tuyên bố nước này cần phải phát triển kế hoạch “phá hủy” những vũ khí, thiết bị và căn cứ phi pháp ở Biển Đông. Trả lời phỏng vấn với tạp chí Washington Examiner, ông Rubio cảnh báo Bắc Kinh đang theo đuổi “chiến lược tăng dần” và nếu Washington không ngăn chặn từ đầu thì cuối cùng các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ buộc phải lựa chọn giữa “chấp nhận thất bại hoặc bị kéo vào một cuộc chiến khốc liệt”.
Mỹ cân nhắc điều chiến hạm qua eo biển Đài Loan
Ngày 5.6, Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ Washington đang xem xét đưa tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan. Đây có thể xem là tín hiệu ủng hộ của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Đài Loan sau hàng loạt cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc xung quanh vùng lãnh thổ này trong thời gian qua. Theo các nguồn tin, Mỹ trước đó đã xem xét kế hoạch điều một tàu sân bay đi qua eo biển Đài Loan, nhưng cuối cùng dừng lại, một phần vì lo ngại việc này sẽ đẩy căng thẳng leo thang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.