Việc Mỹ điều máy bay ném bom chiến lược B-52 gần đảo nhân tạo phi pháp là thách thức mới đối với tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Máy bay B-52 của Mỹ được điều từ đảo Guam bay tuần tra ở Biển Đông - Ảnh: Reuters |
Đó là nhận định của giới chức Mỹ với tờ The Hill hôm qua 13.11, sau khi Washington đưa 2 oanh tạc cơ B-52 tuần tra gần đảo nhân tạo do Trung Quốc xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN.
Theo các nguồn tin, 2 chiếc máy bay đã “băng qua” khu vực phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo phi pháp và khẳng định đó là hoạt động tuần tra nhằm duy trì tự do lưu thông trên Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban xác nhận 2 chiếc B-52 lần lượt cất cánh và trở về đảo Guam vào ngày 8 và 9.11, thực hiện “sứ mệnh thông thường” ở không phận quốc tế tại Biển Đông, theo The Hill. Ông Urban cho biết thêm phi công đã nhận “cảnh báo rời khỏi khu vực” từ đơn vị kiểm soát không lưu của Trung Quốc nhưng “cả 2 máy bay tiếp tục sứ mệnh mà không gặp bất kỳ sự cố nào và luôn luôn hoạt động theo luật pháp quốc tế”, The Hill dẫn lời phát ngôn viên này cho hay.
Lầu Năm Góc khẳng định 2 chiếc B-52 không áp sát đảo nhân tạo phi pháp như tàu khu trục USS Lassen đã làm ngày 27.10. Tuy nhiên, AFP dẫn lời giới quan sát nhận định đây vẫn là động thái thách thức mới nhất của Washington đối với tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở khu vực.
Phản ứng về diễn biến này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 13.11 tuyên bố Bắc Kinh phản đối “hành động phá hoại chủ quyền và an ninh của Trung Quốc dưới danh nghĩa tự do lưu thông”, theo AFP. Cùng ngày, biên tập viên Ankit Panda của chuyên san The Diplomat nhận định rằng những chuyến tuần tra trên biển và trên không của Mỹ có ý nghĩa quan trọng vì “những tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa và đâu đó khác ở Biển Đông có thể gây trở ngại cho hàng không quân sự và dân sự quốc tế ở khu vực”.
Bằng chứng củng cố cho lập luận này của ông Panda là khi phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS, Mỹ) hồi tháng 10, thẩm phán Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio cáo buộc Trung Quốc thường xuyên cảnh báo, xua đuổi bất kỳ máy bay Philippines nào bay qua khu vực quần đảo Trường Sa. “Trên thực tế, Trung Quốc đang áp dụng không chính thức Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở khu vực”, ông Carpio cảnh báo.
Vấn đề trọng tâm
Trước tình hình nhiều biến động hiện nay ở Biển Đông, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice hôm qua khẳng định tranh chấp chủ quyền ở khu vực sẽ là “vấn đề trọng tâm” trong cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama với các lãnh đạo châu Á vào tuần tới. AFP dẫn lời bà Rice nói rõ rằng vấn đề Biển Đông sẽ được bàn trong đợt Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á tại Malaysia từ ngày 21 - 22.11. Bà Rice còn nhấn mạnh việc các lãnh đạo khu vực nhất trí sớm cho ra đời và áp dụng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ là một bước đi tích cực trong việc duy trì an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, bà cũng dự đoán sẽ khó có kết quả chắc chắn về COC trong chuyến công du châu Á sắp tới của ông Obama.
Trong khi đó, phát ngôn viên Hồng Lỗi của Trung Quốc hôm qua 13.11 tuyên bố Hội nghị Đông Á và các cuộc gặp liên quan “nên tập trung vào hợp tác và phát triển khu vực” và “không phải là nơi thích hợp cho việc bàn vấn đề Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông - NV)”, theo Reuters. Nhiều nguồn tin cho biết hiện Trung Quốc đang ra sức vận động để các bên không đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của các đợt hội nghị quốc tế trong khu vực.
Trước đó, nước này và nước chủ nhà Philippines đã nhất trí không bàn về Biển Đông tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra từ ngày 17 - 19.11 với lập luận rằng APEC chủ yếu xoay quanh các chủ đề hợp tác kinh tế và không phải là diễn đàn phù hợp cho Biển Đông. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Philippines ngày 13.11 cũng tiếp tục cảnh báo rằng những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang cản trở việc đạt được mục tiêu phát triển kinh tế và phồn thịnh của các nền kinh tế thành viên APEC, theo Kyodo News.
Tàu do thám Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku/Điếu Ngư
Bộ Quốc phòng Nhật Bản loan báo một tàu thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc đã xuất hiện gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa hai nước. Jiji Press hôm qua 13.11 dẫn lời các quan chức Nhật cho hay máy bay tuần tra P-3C phát hiện tàu do thám Trung Quốc gần Senkaku/Điếu Ngư vào khoảng 17 giờ ngày 11.11 và đến 19 giờ ngày 12.11 (giờ địa phương) vẫn còn ở khu vực. Giới chức Nhật nhận định đây là hành động bất thường chưa bao giờ diễn ra của tàu do thám Trung Quốc và cho hay Tokyo đang theo dõi sát sao tình hình.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 13.11 tuyên bố hoạt động của tàu do thám nước này “hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế và không có gì gây tranh cãi”, theo Kyodo News.
|
Ấn định phiên xét xử kế tiếp của vụ kiện về Biển Đông
Tòa trọng tài thường trực (PCA) vừa quyết định phiên tranh tụng kế tiếp cho vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông sẽ diễn ra từ ngày 24 - 30.11 tại trụ sở của PCA ở The Hague (Hà Lan), tờ The Philippine Star dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines cho hay.
Phiên tranh tụng mới diễn ra gần một tháng sau khi PCA đưa ra quyết định tòa này có thẩm quyền xét xử 7 trong số 15 kiến nghị của Philippines trong đơn kiện. Các nội dung được thụ lý chủ yếu tập trung vào tranh chấp ở bãi cạn Scarborough và việc xác định chế độ pháp lý của các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa. Tương tự, phiên tranh tụng đầu tiên hồi tháng 7 về thẩm quyền xét xử vụ kiện, phiên tòa sắp tới sẽ không công khai cho công chúng. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu quan điểm của các bên, tòa sẽ xem xét đề nghị của những nước liên quan gửi phái đoàn đến dự phiên tòa với tư cách là quan sát viên, theo PCA. Những quốc gia đã gửi quan sát viên tới phiên tòa lần thứ nhất, gồm có VN, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Nhật Bản, sẽ chính thức được thông báo ngày diễn ra phiên tòa kế tiếp.
|
Bình luận (0)