Mỹ đưa thêm tên lửa đến Trung Đông, bổ sung lực lượng sẵn sàng điều động

22/10/2023 10:02 GMT+7

Lo ngại nguy cơ xung đột Hamas - Israel tiếp tục leo thang, Mỹ quyết định điều động thêm một Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và các tiểu đoàn tên lửa Patriot đến Trung Đông.

Mỹ đưa thêm tên lửa đến Trung Đông, bổ sung lực lượng sẵn sàng điều động - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) tại Tel Aviv hôm 13.10

REUTERS

Theo Reuters dẫn thông tin từ Lầu Năm Góc, Mỹ đang điều động thêm một hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và các tiểu đoàn tên lửa Patriot đến Trung Đông nhằm đối phó tình hình leo thang trong khu vực.

"Sau các cuộc thảo luận chi tiết với Tổng thống Joe Biden về những sự leo thang gần đây của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này trên khắp khu vực Trung Đông, hôm nay tôi đã chỉ đạo một loạt các bước bổ sung nhằm củng cố hơn nữa thế trận của bộ quốc phòng trong khu vực", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết.

Bloomberg: Mỹ định hình chiến dịch trên bộ của Israel chống lại Hamas

Ngoài ra, ông Austin cho hay Lầu Năm Góc đang bổ sung thêm nhân lực trong lực lượng sẵn sàng điều động, dù chưa thông tin số lượng cụ thể.

THAAD (Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối) được Mỹ đưa đến Israel lần đầu vào năm 2019.

Năm ngoái, THAAD đã có lần thực chiến thành công đầu tiên khi đánh chặn tên lửa đạn đạo của Houthi. Theo Defense News, cuộc tấn công của Houthi diễn ra vào giữa tháng 1.2022 nhắm vào một cơ sở dầu mỏ gần căn cứ không quân al-Dhafra, nơi có lực lượng UAE, Mỹ và Pháp đóng quân.

Mỹ đưa thêm tên lửa đến Trung Đông, bổ sung lực lượng sẵn sàng điều động - Ảnh 2.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ

BỘ TƯ LỆNH TRUNG TÂM MỸ

Trong cuộc tấn công, UAE đã sử dụng hệ thống THAAD để ngăn chặn một tên lửa đạn đạo tầm trung, đánh dấu lần thực chiến đầu tiên của hệ thống này.

Hệ thống THAAD do nhà thầu Lockheed Martin (Mỹ) phát triển từ thập niên 1990 nhằm chống lại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Hệ thống này được thiết kế để ngăn chặn đầu đạn của tên lửa đạn đạo ở giai đoạn cuối, lúc sắp đến mục tiêu.

Mặc dù gặp nhiều thách thức trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu nhưng hệ thống THAAD dần được cải thiện độ tin cậy và được Mỹ triển khai ở nhiều nơi như Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản, đảo Guam.

Trong khi đó, Patriot được xem là một trong những hệ thống phòng không tinh vi nhất trên thế giới, với khả năng bắn hạ tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn, cũng như các loại máy bay.

Tấn công Gaza nhiều thách thức, có thể như trận 'Mogadishu nhưng khốc liệt hơn'

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot được sử dụng tại Mỹ từ thập niên 1980. Hệ thống này có thể ngăn chặn máy bay, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Mỗi tổ hợp gồm nhiều bộ phận, trong đó giàn phóng tên lửa có thể mang theo 4-16 quả tên lửa, tùy phiên bản.

Mỹ đề xuất lên Liên Hiệp Quốc

Tại Liên Hiệp Quốc, Mỹ vừa đề xuất một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an cho rằng Israel có quyền tự vệ, đồng thời yêu cầu Iran dừng xuất khẩu vũ khí cho "các nhóm đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực".

Ngoài ra, dự thảo kêu gọi bảo vệ dân thường, kể cả những người đang cố gắng tìm nơi an toàn, khi lưu ý rằng các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế khi phản ứng với "các vụ tấn công khủng bố", đồng thời kêu gọi viện trợ "tiếp tục, đầy đủ và không bị cản trở" cho Dải Gaza.

Chưa rõ khi nào Mỹ sẽ đưa nghị quyết ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an. Để được thông qua, một nghị quyết cần ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không có phiếu phản đối nào từ các thành viên thường trực là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pháp và Anh.

Động thái của Mỹ được đưa ra sau khi nước này phủ quyết một văn bản do Brazil soạn thảo hôm 18.10 kêu gọi ngừng bắn nhân đạo trong xung đột Hamas-Israel để cho phép viện trợ tiếp cận Gaza.

Cửa khẩu Rafah vì sao trở thành huyết mạch sống còn với người Gaza?

Giải thích về việc phủ quyết, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng Washington cần thêm thời gian cho hoạt động ngoại giao trên thực địa khi Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken đến thăm khu vực, tập trung vào việc viện trợ cho Gaza và cố gắng giải thoát các con tin đang bị Hamas giam giữ.

Hamas đã thả 2 con tin người Mỹ hôm 20.10 và đoàn xe viện trợ nhân đạo đầu tiên đã đến Dải Gaza từ Ai Cập vào một ngày sau đó.

Ngoài ra, bà Thomas-Greenfield bày tỏ sự thất vọng khi dự thảo của Brazil đề xuất không đề cập quyền tự vệ của Israel. Trong khi đó, các nước Ả Rập nói rằng Israel không thể viện cớ quyền tự vệ để tấn công Dải Gaza.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.